Nếu như trước đây, những vùng nuôi nghêu ở Bến Tre chỉ đơn thuần là nơi sản xuất thủy sản thì nay, nuôi nghêu kết hợp du lịch đã được người dân triển khai và mang lại hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình sản xuất của HTX Thủy sản Thạnh Lợi đang có 404ha nghêu. Đặc biệt, HTX đã áp dụng kỹ thuật sơ chế, làm sạch cát trong nghêu nên ngoài bán cho thương lái, HTX còn phục vụ xuất khẩu và đưa nghêu vào các siêu thị.
Du lịch nông nghiệp không còn xa lạ
Khi đã xây dựng được chuỗi nghêu sạch bền vững, HTX còn trang bị kiến thức, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển bãi nghêu sạch và đẹp, đầu tư thuyền chở khách để phát triển dịch vụ du lịch. Đặc biệt, dịch vụ làm nghêu sạch và đóng gói giúp thuận tiện cho khách mua về làm quà. Mô hình này không chỉ gia tăng nguồn thu, tạo việc làm thêm cho nhiều người mà còn giúp người dân thay đổi tư duy về làm du lịch.
HTX Thủy sản Thạnh Lợi đang là mô hình điểm ở Bến Tre về phát triển thủy sản kết hợp làm du lịch. Hiện, các HTX như HTX Thủy sản Bình Minh, HTX Lúa - Tôm Thạnh Phú cũng đang học hỏi kinh nghiệm từ HTX Thạnh Lợi để kết hợp sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch nông thôn theo hướng xanh gắn với nâng cao vai trò tổ chức và quản lý cộng đồng của HTX.
Cũng là những đơn vị thuộc diện “đi trước, đón đầu” trong phát triển du lịch, có những HTX ở Tiền Giang đã mạnh dạn đầu tư các sản phẩm du lịch nhằm nâng cao thu nhập, quảng bá hình ảnh quê hương đất nước.
Bà Lê Khắc Đông Nghi, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Đông Nghi (huyện Châu Thành) cho biết mô hình nuôi dê và bán các sản phẩm làm từ sữa dê kết hợp với khai thác du lịch đang giúp HTX đón từ 50 - 100 khách/ngày. Các ngày cuối tuần, ngày lễ đón từ khoảng 300 - 500 khách.
Không chỉ HTX Đông Nghi mà nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện đã phát triển mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn. Tiêu biểu như ở cù lao Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho) hiện là điển hình về phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp. Người dân đã phát triển thêm nghề nuôi ong lấy mật, một số hộ còn làm kẹo dừa, mứt, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ khách đến du lịch Tiền Giang tham quan, tìm hiểu. Sau đó, loại hình du lịch này tiếp tục phát triển ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như Xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè), xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông), xã Thạnh Hòa (huyện Tân Phước)... Đặc biệt, ở các xã này đều có sự tham gia của các tổ hợp tác, HTX để đồng hành cùng người dân và thúc đẩy mối liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp.
Lợi ích kép
Có thể thấy, đến nay nhiều địa phương đã chú trọng phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Bởi giá trị của du lịch nông nghiệp, nông thôn mang lại không chỉ đơn thuần là nâng cao thu nhập cho người dân, lợi ích kinh tế cho địa phương, mà còn tạo ra những giá trị vô hình khác như định hình nền nông nghiệp xanh, bền vững; giữ gìn bản sắc văn hóa của nông thôn... Đây là những yếu tố quan trọng nâng đỡ các địa phương trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới bền vững.
Cũng chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp, các mô hình HTX sản xuất rau sạch ở Thừa Thiên Huế đang góp phần không nhỏ vào việc mỗi năm thu hút khoảng 300.000 lượt khách đến trải nghiệm các loại hình du lịch cộng đồng. Nhờ đó, hoạt động này đã tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại địa phương, góp phần đưa doanh thu, thu nhập từ dịch vụ và du lịch nông thôn của tỉnh ước đạt 50 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, lượng khách du lịch đến tham quan trải nghiệm chính là nguồn nội lực để Thừa Thiên Huế tái đầu tư về cơ sở hạ tầng, nhân lực, hỗ trợ sản xuất, môi trường, phát triển sản phẩm OCOP, chuyển đổi số... nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Hay tại Hà Giang, để phát triển các điểm du lịch cộng đồng, thời gian qua tỉnh đã tích cực hỗ trợ người dân, HTX trong đào tạo nguồn nhân lực làm du lịch, xây dựng các dịch vụ. Đi liền với đó là đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cải tạo cảnh quan, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đến nay, 100% làng văn hóa du lịch ở Hà Giang đều có điện lưới quốc gia, đường ô-tô vào đến trung tâm. Các làng văn hóa du lịch đều xây mới công trình vệ sinh không gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan được cải tạo phù hợp với đặc trưng văn hóa truyền thống địa phương,...
![]() |
Cần có sự hỗ trợ của những người có chuyên môn để đồng hành cùng người dân, HTX trong việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. |
Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc CTCP Công nghệ phần mềm AutoAgri cho rằng, ở các địa phương, nông nghiệp du lịch có tiềm năng lớn. Đây là ngành có vốn tự có lớn bởi chủ yếu đến từ thiên nhiên, nông nghiệp… Nếu biết khai thác các thế mạnh đó gắn với du lịch thì đây là một ngành tiềm năng.
Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình nông thôn mới đang mang lại lợi ích kép khi vừa góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực; vừa nâng cao vai trò, vị trí chủ thể của người nông dân trong chuỗi du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng được xác định là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Ngô Trường Giang, Giám đốc HTX Du lịch nông nghiệp cao nguyên M’nông (Đắk Nông), việc xây dựng mối liên kết với 8 HTX, công ty, chủ trang trại, các điểm du lịch khác trên địa bàn tỉnh để phát triển du lịch nông nghiệp, giúp thành viên có nguồn thu nhập từ 10-20 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, các sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, điều... đã được khách hàng biết đến và tiêu thụ khá tốt. Đây là động lực cho TP Gia Nghĩa xây dựng nông thôn mới bền vững. Phát triển du lịch còn giúp tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập cho bà con.
Theo Bộ NN&PTNT, cả nước có hơn 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý. Trong đó, có khoảng 70% là các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Đây được xem là “mỏ vàng” để đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn, đem lại việc làm, thu nhập cho người dân, từ đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường…
Cần có bàn tay của người có chuyên môn
Tuy nhiên, một điều đáng lưu tâm hiện nay là dù phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn nhưng đã xuất hiện tình trạng sao chép lẫn nhau, thiếu sự khác biệt, thiếu gắn kết. Không ít điểm du lịch chưa có sự hợp tác với nhau, chưa quan tâm chia sẻ lợi ích với cộng đồng.
Theo các chuyên gia, việc sao chép trong làm du lịch không chỉ gây sự nhàm chán cho khách du lịch mà còn gây thiệt hại kinh tế. Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Nậm Hồng, Triệu Mềnh Kinh cho biết thực tế ở Hà Giang đã có tình trạng lấy tên khu du lịch gần giống nhau, các dịch vụ ẩm thực, văn nghệ, trang trí homestay cũng giống nhau khiến mô hình du lịch đi trước bị mất khách, giảm lòng tin.
Điều này là do phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn còn mang tính tự phát, thiếu tính sáng tạo. Nhiều sản phẩm du lịch chưa có sự đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ nên gây khó khăn trong đòi quyền lợi.
Bên cạnh đó, đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ nguồn nhân làm du lịch nông thôn ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều hạn chế khiến việc thu hút khách du lịch bị giảm.
Để thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới, theo cá chuyên gia, các địa phương cần xây dựng và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn sao cho phù hợp với thực tế của từng vùng, từng địa phương. Đồng thời, phải tuân thủ các nguyên tắc về tôn trọng văn hóa địa phương, chia sẻ lợi ích, đảm bảo phát triển bền vững và có trách nhiệm.
Ông Bùi Quang Doanh, chuyên gia phát triển sản phẩm du lịch bền vững, cho biết để làm được du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững cần sự liên kết chặt chẽ giữa yếu tố nông nghiệp và du lịch. Nhiều người có sản phẩm nông nghiệp nhưng không biết liên kết với dòng khách nào. Trong khi khách hàng nội địa luôn muốn đi du lịch để thỏa mãn niềm vui là chính, thì khách nước ngoài lại ưa trải nghiệm. Chính vì vậy, các HTX , đơn vị làm du lịch nông nghiệp cần xác định được thế mạnh trong dịch vụ của mình, từ đó gọi tên được khách hàng mà mình hướng đến để có hướng phát triển phù hợp.
Bên cạnh đó, phải có các chuyên gia để hỗ trợ người dân, HTX trong xúc tiến du lịch. Hiện nhiều HTX có các sản phẩm nông nghiệp nhưng để biến sản phẩm này thành sản phẩm du dịch thì cần có các chuyên gia, người có chuyên môn vì người dân, thành viên HTX vốn chỉ mạnh về sản xuất. Ngay việc đào tạo nghề hậu cần cho nông nghiệp du lịch cũng là một việc cần thiết vì đây là điểm chưa mạnh của người dân, HTX.
Minh Nhương