Huyện Nam Giang là một trong những huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam. Do địa hình núi cao, cách trở, ruộng đồng không chủ động được nước, nên việc trồng lúa ở đây năng suất thấp, hiệu quả không cao. Vì vậy người dân nơi đây sống dựa vào rừng và nương rẫy là chính.
Hỗ trợ phát triển mô hình "3 cây, 3 con"
Để mang lại đời sống khá hơn cho người dân, huyện đã xác định việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi là tiền đề quan trọng giúp địa phương tạo nên bước ngoặt để hình thành phương thức sản xuất mới cho đồng bào miền núi, tập trung nhân rộng mô hình “3 cây, 3 con” để phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, xây dựng và hình thành các vùng chuyên canh sản xuất theo hướng hàng hóa.
Trồng cây cao su đang là chủ lực phát triển kinh tế huyện Nam Giang (Ảnh: TL) |
Theo đó, UBND huyện quyết định hỗ trợ mỗi xã, thị trấn 200 triệu đồng/năm. Tổng nguồn vốn dành cho thực hiện chương trình này là hơn 32 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương hơn 14 tỷ đồng, phần còn lại được huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức khác… Ba cây được chọn đưa vào trồng là: cao su, keo, chuối và ba con gồm: lợn, dê và bò...
Đồng thời, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Giang còn triển khai bảy chương trình cho vay phát triển sản xuất, chăn nuôi, với tổng dư nợ lên đến 80 tỷ đồng. Có thể kể đến như ở xã Tà Bhing, người dân trong xã đã đầu tư mua gần 20 con bò sinh sản, 05 con lợn giống và hơn 130 nghìn cây keo giống để trồng 140 ha bằng số tiền vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội
Từ đó, người dân trong xã đã có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện đời sống. Bà con nơi đây không những không phá rừng làm rẫy mà còn tích cực tham gia các dự án trồng cao su, trồng keo… để tăng thu nhập và góp phần tăng độ che phủ rừng.
Đến với xã Đăk Tôi, ông Pơ loong A Bloo hào hứng chia sẻ: Từ nguồn vốn hỗ trợ của huyện, gia đình ông đã mạnh dạn vay thêm 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển chăn nuôi gia súc. Đến nay, ông Pơloong A Bloo có hơn 30 con lợn rừng và 20 con bò… Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi năm, gia đình ông cũng lãi vài chục triệu đồng.
Giảm dần tỷ lệ nghèo
Có thể nói, từ khi đưa cây cao su vào trồng, không những thu nhập của người dân tăng mà nhận thức cũng được nâng lên. Nếu như trước đây, người dân chủ yếu sống dựa vào nương rẫy, cuộc sống bấp bênh, thì từ ngày đưa cây cao su vào trồng, người dân được doanh nghiệp trả tiền công chăm sóc hàng tháng. Số tiền không nhiều nhưng đủ để mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình và chăm lo cho con ăn học.
Mô hình "3 cây 3 con" đã mang lại cuộc sống mới cho người dân nghèo huyện Nam Giang (Ảnh: TL) |
Hiện tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt gần 6.000ha với tổng sản lượng lương thực có hạt đạt gần 6.700 tấn. Riêng cây cao su được trồng với tổng diện tích hơn 1.300ha, trong đó đã thu hoạch khai thác mủ trên 43,7ha với sản lượng ước đạt 15 tấn.
Cùng với mở rộng diện tích cao su, keo và chuối, những năm gần đây, đàn gia súc của huyện tăng lên rõ rệt. Đến nay, tổng đàn bò có 5.670 con, dê gần 1.000 con và lợn có hơn 7.640 con. Đặc biệt, nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi, Trạm Khuyến nông huyện đã đầu tư xây dựng khu nhà trại để chăn nuôi, nhân giống cấp để cung ứng cho các hộ và thành lập Tổ hợp tác để làm đầu mối thu mua và tiêu thụ sản phẩm lợn cho bà con nông dân.
Mô hình “3 cây, 3 con” đã tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng bà con dân tộc thiểu số, từng bước xóa bỏ tập tục sản xuất lạc hậu của bà con, đẩy mạnh việc khai thác lợi thế và tiềm năng của vùng. Góp phần giảm dần tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện.
Thời gian tới, huyện Nam Giang tiếp tục chuyển diện tích lúa rẫy sang trồng cây bắp, sắn. Đồng thời, sẽ tiến hành khảo sát, khoanh vùng và chăm sóc, phát triển các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Nhật Nam