Theo thống kê, sau hơn 10 năm triển khai, tính đến quý II/2022 toàn tỉnh Đắk Nông có 35/60 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ở các xã nông thôn mới, có thể cảm nhận được sự đổi thay từ đường sá, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, nhà cửa diện mạo khang trang và tâm trạng phấn chấn của người dân.
Tạo nền tảng cho nông thôn mới
Một trong những thành công lớn nhất trong quá trình triển khai nông thôn mới của tỉnh Đắk Nông là xây dựng thành công các mô hình sản xuất nông nghiệp thế mạnh, tạo lợi ích bền vững cả về kinh tế, bảo vệ môi trường…
Điển hình như tại xã Đắk Nia hiện có trang trại măng cụt Gia Ân rộng 20 ha của ông chủ Trần Quang Đông và trang trại sầu riêng Gia Trung rộng 60 ha của ông Nguyễn Ngọc Trung. Cả 2 cơ sở đều ứng dụng hiệu quả công nghệ cao và nông nghiệp sạch, sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp thể hiện tư duy mới, năng động trong sản xuất kinh doanh của những nông dân có kiến thức và ý chí làm ăn lớn chính là điểm tựa giúp xã Đắk Nia trở thành một trong những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt ở những tiêu chí điểm về thu nhập, giảm nghèo, môi trường…
Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Đắk Nông, các HTX đang thể hiện vai trò tích cực trong phát triển sản phẩm đặc trưng thế mạnh ở từng vùng, qua đó đóng góp trực tiếp vào tiêu chí hình thức tổ chức và kinh tế nông thôn, cùng nhiều tiêu chí khác.
Điển hình, hoạt động trên địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian qua, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực ở bon Đăk Huýt, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức đã liên kết với 120 hộ đồng bào dân tộc M'nông để trồng cây mắc ca. Sự hợp tác này đã tác động rất lớn đến đời sống cho người dân trong vùng.
Mỗi năm, HTX thu mua khoảng 80 tấn mắc ca tươi. Sản phẩm hạt mắc ca Mơ Nông của HTX tuy mới ra mắt được hơn một năm, nhưng bước đầu được thị trường đón nhận. Hiện tại, HTX đã mở 6 cửa hàng tại Đăk Nông và các thị trường lớn như Hà Nội, Bình Dương, TP.HCM.
Theo Giám đốc Nguyễn Anh Tuấn, vì đang liên kết với các hộ đồng bào dân tộc M'nông trồng mắc ca, nên HTX đã chọn đặt tên sản phẩm là hạt mắc ca Mơ Nông để xây dựng thương hiệu.
Năm vừa qua, sản phẩm mắc ca của HTX được công nhận đạt 3 sao Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh Đăk Nông, qua đó giúp nâng cao giá trị lao động của bà con M'nông trồng mắc ca.
Các sản phẩm nông sản thế mạnh như mắc ca đang giúp Đắk Nông đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới. |
Theo ông Tuấn, đây là kết quả bước đầu của HTX trong việc thực hiện hiệu quả mô hình liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, thu nhập cho các hộ thành viên cũng như đồng bào dân tộc thiểu số. Hoạt động của HTX cũng đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hiện nay, nhiều bà con dân tộc M'nông ở xã Quảng Trực nói riêng và huyện Tuy Đức đã thoát nghèo và làm giàu từ cây mắc ca nhờ năng nổ, tích cực liên kết với HTX và các doanh nghiệp trong việc phát triển vùng nguyên liệu, ổn định đầu ra, giá cả phù hợp.
Nỗ lực đạt mục tiêu cốt lõi
Theo chia sẻ của lãnh đạo các xã đã về đích nông thôn mới cho thấy một điểm chung để thay đổi diện mạo nông nghiệp nông thôn là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, không nóng vội chạy theo thành tích mà phải thực chất và muốn bền vững phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa để được mục tiêu cốt lõi là tạo sinh kế, nâng cao đời sống cho người dân.
Các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ nguồn lực, thích ứng với điều kiện của xã mình, phân công rõ trách nhiệm, chủ động làm theo lộ trình, tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, tăng cường kiểm tra giám sát nên triển khai thuận lợi.
Bên cạnh đó, cần có sự chỉ đạo sát sao, hỗ trợ từ tỉnh, huyện và thành phố nên vướng mắc sớm được tháo gỡ. Với một số tiêu chí, nếu cộng đồng không tích cực tham gia sẽ khó hoàn thành và bao nhiêu tiền đổ vào cũng thành lãng phí.
Đơn cử, với tiêu chí môi trường, khi hiểu rõ ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và gia đình, người dân cùng nêu cao ý thức tự giác. Từng cá nhân vận động nhau tự phân loại rác, đổ rác tập trung, phát quang ngõ thôn, trồng hoa trước nhà, trong canh tác dùng các chế phẩm sinh học thân thiện môi trường...
Thời gian tới, bên cạnh mục tiêu đưa 25 xã còn lại về đích nông thôn mới, tỉnh Đắk Nông cũng đẩy mạnh hướng tới nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Để hoàn thành mục tiêu, các xã được chỉ đạo tập trung khai thác tốt hơn các nguồn lực, ưu tiên đầu tư một số tiêu chí trước đây khó thực hiện và nâng cao một số tiêu chí đang ở mức tối thiểu.
Để phát huy các ngành nghề truyền thống, phát triển các sản phẩm thế mạnh, các địa phương cần thúc đẩy, hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác. Qua đó góp phần xây dựng các chuỗi sản phẩm nông sản hiệu quả cao, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Cũng theo đại diện UBND tỉnh Đắk Nông, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, trong đó khuyến khích thanh niên khởi nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp; vận động các nhà hảo tâm thiện nguyện, nhân rộng mô hình 5 đảng viên giúp 1 người dân, kêu gọi người dân đồng lòng ủng hộ, nhất là trong giải phóng mặt bằng, làm đường giao thông, cải tạo nguồn nước ngọt...
Lệ Chi