Trước khó khăn chung của nền kinh tế, HTX vẫn duy trì được hoạt động sản xuất - kinh doanh, thích ứng tốt hơn với cơ chế thị trường, có tác động tích cực trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại địa phương.
Tìm đầu ra cho nông sản
Năm 2019 trở về trước, cánh đồng ớt ở thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu) được mùa, ớt trĩu quả, nhưng thỉnh thoảng mới có người đến mua với giá thấp chỉ từ 3.000 - 5.000 đồng/kg khiến nhiều người không muốn thu hoạch để ớt chín rụng đầy đồng.
Cánh đồng ớt ở thôn Lệ Bắc (Ảnh:TL) |
Trước tình trạng đó, chính quyền và ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên đồng ý cho doanh nghiệp đứng ra ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ớt với HTX Nông nghiệp Lệ Bắc. Doanh nghiệp còn cam kết tăng giá thu mua nếu thị trường tăng giá.
Ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho hay: “Chúng tôi đã liên kết với doanh nghiệp ở Hải Dương với HTX, người nông dân sản xuất ớt, bí, dưa… Các bên ký hợp đồng, bên tiêu thụ - doanh nghiệp bao tiêu hết sản phẩm và giá sẽ được ấn định trước. Nếu giá thị trường lên thì bên mua tăng giá, khi giá giảm thì doanh nghiệp vẫn mua theo giá sàn đó”.
Cùng với việc xây dựng các chuỗi sản xuất an toàn, có xác nhận của cơ quan quản lý và địa chỉ cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, tỉnh Quảng Nam còn tích cực ký kết với các doanh nghiệp, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cơ chế của tỉnh Quảng Nam là vừa đồng thời hỗ trợ cho người nông dân để họ trực tiếp làm ra các sản phẩm sạch, vừa khuyến khích các doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết với người dân để tận dụng nguồn đất đai, lao động tại địa phương cùng nhau phát triển, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và nông dân. Bên cạnh đó, nếu chỉ trông chờ vào người nông dân thì cũng khó tạo ra lượng hàng hóa đủ cung ứng cho thị trường, đảm bảo về mặt số lượng, chất lượng, chủng loại.
Vụ đông xuân 2019 – 2020, trong khi ở nhiều nơi giá ớt rớt thê thảm, thậm chí tư thương không muốn thu mua thì người dân Duy Xuyên lại phấn khởi vì đầu ra của nông sản ổn định.
Đứng vững trong thời dịch bệnh
Ông Nguyễn Kỳ, ở thôn Lệ Bắc canh tác 2 sào ớt, thời gian qua, ruộng ớt phát triển tốt và đạt năng suất không dưới 1,6 tấn quả tươi/sào.
Ông Kỳ chia sẻ: “Liên kết sản xuất với doanh nghiệp có nhiều thuận lợi, nhất là không phải lo chuyện đầu ra của sản phẩm. Hiện nay, tôi thu hoạch ớt bán cho Công ty TNHH Thương mại và xuất nhập khẩu Việt Thắng với mức giá bình quân 5.000 đồng/kg, dự tính vụ này sẽ thu về ít nhất 16 triệu đồng từ 2 sào ớt, trừ chi phí chắc sẽ lãi ròng 10 triệu đồng”.
Mô hình liên kết sản xuất ớt giữa HTX Nông nghiệp Lệ Bắc với doanh nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao (Ảnh: TL) |
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân khác liên kết trồng ớt với công ty cũng rất phấn khởi vì thu hoạch bao nhiêu ớt thì HTX Nông nghiệp Lệ Bắc đại diện đứng ra thu mua hết sản phẩm với giá bằng hoặc cao hơn thị trường. Nếu giá ớt trên thị trường tăng sẽ tiến hành thu mua theo giá thị trường, còn khi giá ớt trên thị trường tụt giảm mạnh, HTX vẫn thu mua với giá sàn thấp nhất là 4.000 – 5.000 đồng/kg.
Vụ này, HTX Nông nghiệp Lệ Bắc đã liên kết với Công ty Việt Thắng tổ chức cho nông dân xã Duy Châu sản xuất 35ha ớt theo phương thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Ông Nguyễn Nhàn – Giám đốc Công ty Việt Thắng cho biết: “Hiện nay, hàng hóa nông sản xuất đi các nước rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng công ty vẫn tiến hành thu mua ớt của nông dân. Đặc biệt, mua đến đâu, doanh nghiệp thanh toán tiền mặt cho nhà nông đến đó theo đúng cam kết trong hợp đồng”.
Vụ đông xuân 2019 - 2020 này, địa phương đã thu hút 10 doanh nghiệp vào liên kết sản xuất, bao tiêu đầu ra các loại nông sản cho nông dân với diện tích gần 250ha như lúa, ớt, đậu xanh… Bình quân 1ha đất liên kết sản xuất nông sản mang lại cho nhà nông từ 75 - 200 triệu đồng/vụ.
Qua đó, các mô hình liên kết sản xuất đã tạo ra bước chuyển biến tích cực, giúp người nông dân yên tâm đầu tư chăm sóc cây trồng, cho ra những sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng và có giá trị kinh tế cao. Đây chính là xu hướng tất yếu để tạo dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Đan Nam