Một trong những điểm thuận lợi ở Gò Dầu trong quá trình phát triển sản phẩm OCOP là có nguồn nguyên liệu đa dạng, phong phú. Đặc biệt, một số ngành nghề truyền thống với sản phẩm hàng hoá nổi tiếng gắn liền với người dân, thành viên HTX có tay nghề cao.
Chính vì vậy, chỉ cần chú trọng áp dụng khoa học công nghệ, tận dụng lợi thế của mô hình HTX, địa phương sẽ có được những sản phẩm OCOP đặc trưng, vừa mang lại giá trị kinh tế, vừa tạo ấn tượng văn hoá xã hội.
Nâng tầm sản phẩm đặc trưng
Cụ thể như sản phẩm có thương hiệu muối tôm Tây Ninh thông qua mô hình HTX Gò Dầu không chỉ tạo ra thứ gia vị trứ danh cho địa phương mà còn giúp người dân, thành viên HTX nâng cao đời sống, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững.
Thay vì chú trọng sản xuất thủ công, đơn lẻ theo quy mô hộ gia đình, hiện nay, HTX Gò Dầu là một trong những đơn vị tiên phong nâng cấp độ, quy mô, có đăng ký thương hiệu muối Tây Ninh bài bản.
HTX Gò Dầu hiện sản xuất muối tôm, muối ớt theo quy trình bán thủ công và kết hợp máy móc hỗ trợ xay, sấy, diệt khuẩn, đóng gói hiện đại kết hợp bán hàng trực tuyến, với một hệ thống đại lý, khách hàng rộng khắp ở mọi miền đất nước.
Đặc biệt, muối tôm, muối ớt hoàn toàn không sử dụng phẩm màu từ hóa chất mà hoàn toàn là màu tự nhiên. Giá sản phẩm muối tùy theo dung lượng trong hũ, hoặc theo chất lượng dựa trên tỷ lệ tôm trong sản phẩm, thường dao động trung bình từ 80.000 - 250.000 đồng/kg.
Hiện, muối tôm, muối ớt Tây Ninh đã là một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng của huyện Gò Dầu. Nhờ tích cực quảng bá và xúc tiến thương hiệu OCOP muối tôm Tây Ninh gắn với chương trình du lịch nông thôn, HTX Gò Dầu và người dân đã kết hợp cùng địa phương xây dựng các điểm bán hàng, hệ thống phân phối sản phẩm OCOP. Nhờ vậy mà muối tôm Tây Ninh đã khẳng định được chất lượng và thương hiệu trên thị trường.
Muối tôm, muối ớt Tây Ninh được phơi một nắng sau đó sấy bằng máy nhằm cung cấp số lượng lớn ra thị trường. |
Ngoài muối tôm Tây Ninh, Gò Dầu còn có các sản phẩm OCOP khác được công nhận gồm: dưa lưới của đơn vị An Gia Farm đạt 3 sao; chanh giấy của HTX nông nghiệp công nghệ cao xã Phước Đông đạt 3 sao; bánh tráng bò bía Cơ sở Phúc Đức đạt 3 sao; sản phẩm chao môn và sản phẩm muối tiêu của cơ sở chế biến kỹ nghệ thực phẩm Phú Gia Bảo đạt 3 sao. Cùng với đó là sầu riêng Ri 6 của HTX cây ăn trái Bàu Đồn đạt 4 sao.
Việc cấp chứng nhận sản phẩm OCOP không chỉ khẳng định giá trị gia tăng của các sản phẩm nông thôn tiêu biểu ở Gò Dầu, mà còn là cách để bảo vệ thương hiệu sản phẩm đặc trưng mà người dân, HTX, doanh nghiệp và chính quyền địa phương mất nhiều năm gây dựng.
Bởi theo thời gian, nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng ở Gò Dầu đã bị làm giả, làm nhái, ảnh hưởng đến thương hiệu và thu nhập của người dân, thành viên các HTX.
Bên cạnh đó, khi tham gia chương trình OCOP, các chủ thể, đặc biệt là các HTX đã kết hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để hoàn thiện quy trình sản xuất. Vì vậy mà các chủ thể phải thường xuyên trải qua các đợt kiểm tra về truy xuất đúng nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng, an toàn vệ sinh thực phẩm để bảo đảm chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Đồng thời, đối với những địa phương thành lập được các HTX sẽ hướng dẫn người dân lấy chung một thương hiệu để bảo đảm giá thành cho sản phẩm, giúp bảo vệ quyền lợi, từ đó giúp người sản xuất có thể yên tâm phát triển và gắn bó với nghề truyền thống.
Giữ được “cốt” của nghề truyền thống
Đến nay, các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP của huyện đều mang tính đặc thù, đặc trưng. Mỗi sản phẩm đều trở thành một trong những “món quà” để du khách mua mỗi khi đến Tây Ninh nói chung và đến Gò Dầu nói riêng.
Nhờ có nguồn thu từ các sản phẩm OCOP, nhiều hộ gia đình ở huyện Gò Dầu đã vươn lên cải thiện đời sống, làm giàu chính đáng, đóng góp vào việc hoàn thiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Tiêu biểu như HTX Gò Dầu không chỉ tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động địa phương mà hiện mỗi tháng, HTX xuất ra thị trường trên dưới 10 tạ muối ớt tôm thành phẩm.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, huyện Gò Dầu đang nghiên cứu vận dụng cơ chế chính sách để hỗ trợ người dân, HTX đẩy mạnh thương mại hóa, phát triển các sản phẩm theo hướng đánh giá như chương trình OCOP để nâng tầm, đảm bảo chất lượng, mẫu mã, các tiêu chuẩn theo quy định, rồi mới tăng sản lượng.
Huyện cũng kết hợp cùng tỉnh để tính toán kinh phí từ nguồn hỗ trợ khuyến công, giúp các cơ sở, HTX vừa giữ được “cốt” của nghề truyền thống, vừa có thể nâng tầm sản phẩm OCOP khi bán ra thị trường. Bên cạnh đó, huyện cũng hỗ trợ các cơ sở, HTX, doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP phát triển gắn với du lịch.
Hiện, các chủ thể đang đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng và đưa sản phẩm OCOP vào các cửa hàng, điểm du lịch, giúp du khách thuận lợi mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Minh Nhương