Theo báo cáo của UBND huyện Tây Giang, từ các nguồn vốn, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, nông thôn mới, Quyết định 2950 của UBND tỉnh, huyện Tây Giang đã hỗ trợ và một phần người dân tự trồng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, lâm sản ngoài gỗ.
Bảo tồn nguồn giống bản địa
Tính đến nay, toàn tỉnh Tây Giang có diện tích cây táo mèo đạt 127.906 cây/58ha, đảng sâm 272,66ha, ba kích 245,56ha, thảo quả 10ha (Ch’Ơm 5ha, A Xan 5ha), sả chanh 34,35ha, gừng 26ha.
Đồng thời, huyện còn đầu tư phát triển bảo tồn 1 vườn ba kích với diện tích 5ha. Về sản lượng khai thác, cây đảng sâm thu hoạch đạt 7 tạ/ha/năm, bình quân mỗi năm người dân thu hoạch được 30ha; cây táo mèo đạt 3 tạ/ha/năm, diện tích thu hoạch khoảng 20ha.
HTX Thiên Bình hỗ trợ người dân Tây Giang phát triển cây dược liệu theo hướng bền vững để giảm nghèo (Ảnh: TL) |
Thời gian qua, từ nguồn vốn hỗ trợ bảo tồn dược liệu tỉnh Quảng Nam, Tây Giang đã triển khai thực hiện một vườn bảo tồn cây dược liệu tại thôn T’coong (xã Lăng), do HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình phụ trách với diện tích 5ha.
Theo ông Nguyễn Bá Hiển - Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình, hiện HTX có tới 3 khu vực sản xuất giống ba kích và khu trồng cây ba kích nguyên liệu.
“HTX đã chủ động giống cung ứng cho người dân. Hiện, cây ba kích trồng dưới tán rừng đã một năm tuổi. Chúng tôi muốn hạ giá thành cây ba kích ở Tây Giang xuống, giá hiện nay 400 - 500 nghìn đồng/kg, thời gian tới sẽ là 150 - 200 nghìn đồng/kg để tiếp cận người tiêu dùng. HTX cũng đa dạng hóa các sản phẩm từ ba kích và đẳng sâm, hiện là bán tươi, ngâm rượu, sắp tới sẽ có sản phẩm cao ba kích, đẳng sâm...”, ông Hiển cho biết thêm.
Không chỉ chủ động nguồn giống mà HTX còn đứng ra thu mua ba kích với giá hợp lý. HTX đã tiến hành bán hàng trực tiếp và bán hàng qua mạng online. Sản phẩm vừa ở dạng tươi vừa ở dạng khô, được đóng gói, dán tem có logo rõ ràng.
Xác định HTX phải là “điểm tựa” để các thành viên có cuộc sống ổn định, thay đổi tư duy xây dựng và phát triển sản phẩm cây dược liệu hàng hóa để giảm nghèo bền vững, tất cả các thành viên và các hộ liên kết trồng dược liệu cho HTX đều được hỗ trợ sản xuất, bảo đảm quyền lợi chính đáng.
Qua đó, HTX Nông lâm nghiệp Thiên Bình đã được HĐND tỉnh ghi nhận những nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu, đặc biệt là Giám đốc Nguyễn Bá Hiển.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Cũng theo báo cáo, năm 2019, tổng diện tích cây dược liệu triển khai là 43,75ha/312.500 cây/79 hộ (ba kích 28,75ha/50 hộ/6 xã; đảng sâm 15ha/29 hộ) với kinh phí 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu trên địa bàn Tây Giang vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Cây đảng sâm là cây dược liệu được phát triển mạnh trên vùng đất Tây Giang (Ảnh: TL) |
Ngoài ra, việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, dược liệu trên địa bàn hết sức khó khăn. Công tác tổ chức và quản lý khai thác, thu mua dược liệu và các lâm sản ngoài gỗ còn nhiều bất cập. Công tác tuyển chọn giống cây dược liệu chưa được quan tâm. Việc giao đất giao rừng cho người dân còn vướng mắc...Đại diện UBND huyên Tây Giang lý giải: Đó là việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất giống cây dược liệu, kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc và chế biến sau thu hoạch còn yếu. Công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen cây dược liệu chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh các sản phẩm dược liệu còn thấp.
Cũng theo đại diện huyện Tây Giang: Theo Nghị quyết 202, HĐND huyện đã tập trung vào 3 cây chủ lực là ba kích, đẳng sâm và tr’đin. Song, Nghị quyết 202 đến năm 2020 là kết thúc, vì vậy đề nghị tỉnh tăng mức hỗ trợ về cơ chế, chính sách giống và các hỗ trợ khác.
Trong đó, khuyến khích, đầu tư hỗ trợ những hộ gia đình đầu tư trồng, phát triển cây dược liệu theo quy mô lớn, hỗ trợ những mô hình chuyên sản xuất giống. Nghị quyết cần có sự sửa đổi, bỏ cơ chế đối ứng 20% về giống như hiện nay để người dân miền núi dễ dàng tiếp cận cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh…
“Huyện cần nâng mức hỗ trợ phát triển cây dược liệu trong các hộ gia đình nhiều hơn (mức bình quân 0,6ha/hộ hiện nay là quá ít). Phát triển dược liệu cần thu hút doanh nghiệp, HTX tham gia, dẫn dắt cộng đồng tham gia, để tạo chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng cây dược liệu. Tây Giang cần hướng tới đa dạng hóa sản phẩm cây dược liệu, không chỉ dừng lại ở bán thô đẳng sâm, ba kích, táo mèo… như hiện nay.
Đồng thời, chú trọng tập huấn, tuyên truyền cho người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây dược liệu và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Đặc biệt cần sâu sát, không để những cơ sở nhân giống, cung ứng giống lợi dụng chính sách hỗ trợ của tỉnh để nâng giá bán cây giống” - lãnh đạo HĐND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Ngọc Giang