Ông Phùng Khánh Hội ở ấp 5, xã Lương Bình (huyện Bến Lức) trước kia có 1ha đất vườn chuyên trồng mía, tuy nhiên do nhiều yếu tố khó khăn đầu ra, giá thấp nên thua lỗ triền miên.
“Trở thành triệu phú, xây nhà cửa khang trang”
Sau đó, thấy HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Lức (có trụ sở tại ấp 6B xã Lương Hòa, huyện Bến Lức) trồng chanh không hạt cho năng suất và lợi nhuận kinh tế cao, gia đình ông đã mạnh dạn xin tham gia, mua cây giống về trồng.
Đoàn công tác của Liên đoàn HTX cung tiêu quốc gia Philippines đến tham quan HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Lức vào tháng 2/2023. |
Như chia sẻ của ông Hội, chanh không hạt là loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh, lại cho trái quanh năm, thời gian từ khi trồng đến được thu hoạch là 18 tháng. Bình quân 1ha thu được 40 tấn/năm (tùy vào từng thời vụ), sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình thu về hơn 400 triệu đồng.
“Nhờ tham gia HTX trồng chanh mà nhiều người dân ở vùng đất heo hút của huyện Bến Lức đã có những người trở thành triệu phú, xây nhà cửa khang trang”, ông Hội bộc bạch
HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Lức được đánh giá là một trong những HTX điển hình của huyện Bến Lức và tỉnh Long An.
Thời gian đầu thành lập, HTX chỉ có 7 thành viên, quy mô canh tác 50ha chanh không hạt. Đến nay, diện tích canh tác của HTX không ngừng tăng lên. HTX đang liên kết tiêu thụ với HTX Thạnh Hòa, HTX Thuận Bình, 20 hộ thành viên liên kết ở huyện Bến Lức, hướng đến mục tiêu liên kết sản xuất trên diện tích 300 - 400 ha để chủ động sản xuất, liên kết đầu ra với doanh nghiệp, tạo đầu ra cũng như thu nhập bền vững cho người trồng chanh.
Hiện tại, sản lượng chanh của HTX này cung cấp cho thị trường ước khoảng 7.200 tấn/năm, trong đó phần lớn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tươi của doanh nghiệp thu mua.
Nhờ áp dụng tốt những tiến bộ kỹ thuật các quy trình canh tác do các ngành chuyên môn đã hướng dẫn nên sản phẩm của HTX luôn đạt chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. HTX đã xây dựng được phân xưởng sơ chế và đóng gói sau thu hoạch có quy mô trên 784m2, công suất 20 tấn/ngày.
Ông Trần Duy Thuận, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, cho biết để tiết giảm chi phí, HTX cũng tự thiết kế một số công cụ cơ giới trong canh tác của HTX như máy xịt thuốc, cắt tỉa… Nhờ có trang bị phân xưởng phân loại, sơ chế và đóng gói sau thu hoạch nên HTX đã tạo được sự liên kết sản xuất tốt.
Ứng dụng công nghệ cao, thoát nghèo bền vững
Với hoạt động hiệu quả, HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Lức tạo việc làm cho khoảng 50 lao động từ khâu chuyên chở, sơ chế, đóng gói. Chị Huỳnh Thị Yến Duyên (ấp 5, xã Lương Hòa) làm việc tại HTX ở khâu đứng máy sơ chế, lựa chanh, chia sẻ mình có thu nhập ổn định, có thể phụ giúp trang trải kinh tế gia đình.
Có đến 90% sản lượng chanh của huyện Bến Lức phục vụ cho xuất khẩu. |
Cùng với HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Lức, huyện Bến Lức được xem là nơi có vùng trồng chanh lớn của tỉnh Long An. Diện tích cây chanh trên địa bàn huyện hiện nay đạt khoảng 7.137 ha, tập trung ở xã Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Lương Hòa, Lương Bình. Trong đó, chanh không hạt hơn 6.564 ha. Cây chanh ở huyện được trồng và tăng nhanh tập trung ở Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Lương Hòa, Lương Bình, Bình Đức.
Những năm qua, chanh mang lại lợi nhuận cao và khá ổn định cho nông dân. Trong đó, đối với diện tích đầu tư mới thì chi phí đầu tư là trên 149 triệu đồng/ha, năng suất bình quân 16 tấn/ha, nông dân lãi khoảng 3,8 triệu đồng/ha. Đối với diện tích kinh doanh thì chi phí đầu tư là 80 triệu đồng/ha, năng suất bình quân 17 tấn/ha, nông dân lãi khoảng 83 triệu đồng/ha.
Theo các nhà vườn, có những thời điểm được giá trong các tháng đầu năm 2023, thương lái đến tận vườn thu mua chanh với giá từ 24.000-25.000 đồng/kg, lợi nhuận cho nông dân rất cao.
Việc tiêu thụ quả chanh tương đối ổn định. Trong đó, tiêu thụ thị trường nội địa khoảng 10%, xuất khẩu 90%, trong đó xuất sang Campuchia là 20%, còn lại 70% xuất sang Châu Âu, Trung Quốc và chủ yếu là thị trường Trung Đông.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, phục vụ xuất khẩu, huyện Bến Lức quyết tâm phát triển vùng sản xuất chanh ứng dụng công nghệ cao, hướng tới tăng số lượng xuất khẩu sang thị trường lớn khó tính. Huyện phấn đấu đến năm 2025 có thêm 1.500 ha chanh sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
HTX dịch vụ nông nghiệp Bến Lức được xem là tiên phong trong việc sản xuất chanh ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa trồng trọt trong nhiều công đoạn như tưới, phun thuốc. HTX đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sơ chế và phân loại chanh.
Theo Giám đốc Trần Duy Thuận, máy hoạt động theo hình thức bán tự động, tốc độ sơ chế và phân loại chanh nhanh, chính xác. Sản phẩm sau phân loại đạt đúng tiêu chuẩn, tỷ lệ phân loại lỗi thấp, đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng. So với lựa chanh bằng thủ công, máy cho năng suất cao hơn 2-3 lần, tiết kiệm chi phí nhân công.
Sau khi có máy lựa chanh, HTX mạnh dạn liên kết với nhiều doanh nghiệp để tiêu thụ chanh từ các thành viên trong cũng như ngoài HTX. Bình quân mỗi ngày, HTX sơ chế, phân loại, đóng gói theo hình thức ủy thác từ 20-25 tấn chanh. Chanh của HTX được tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu đi Singapore, Trung Đông, châu Âu,...
Từ hoạt động hiệu quả của HTX trồng chanh không hạt và sự phát triển hợp lý diện tích trồng chanh đã giúp cho đời sống của nông dân huyện Bến Lức ngày càng nâng cao rõ rệt, không còn cảnh nghèo khó như trước đây.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, huyện Bến Lức hiện là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo thấp nhất toàn tỉnh với 0,61% hộ nghèo và 1,07% hộ cận nghèo. Tin rằng với hướng đi đúng của HTX và ổn định diện tích trồng chanh chuyên canh mang lại giá trị kinh tế cao sẽ giúp người dân trong huyện thoát nghèo bền vững, vươn lên giàu có.
Thanh Loan