Cư Êbur là một xã thuần nông, người dân chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt. Do phụ thuộc vào thời tiết và giá cả thị trường, nên đời sống của nhiều hộ dân trong xã gặp nhiều khó khăn.
Khi mới bắt tay xây dựng NTM (năm 2011), mức thu nhập bình quân toàn xã chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo là 257 hộ, chiếm 7,12%; lao động chủ yếu chưa qua đào tạo, tập quán canh tác còn lạc hậu, việc huy động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình hạ tầng địa phương rất khó khăn...
Gắn kinh tế hộ với KTHT
Để cán đích NTM theo kế hoạch đề ra, ngay từ đầu, xã xác định sản xuất nông nghiệp là mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương nên đã tập trung giữ ổn định hơn 1.600/1.800 ha cà phê kinh doanh; đồng thời liên kết với DN thành lập được 8 tổ hợp tác (THT) sản xuất cà phê bền vững để nâng cao năng suất, giá trị cho loại cây trồng chủ lực của xã.
Song song với đó, xã chỉ đạo các thôn, buôn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác (KTHT). Đến nay, toàn xã có trên 200 ha cà phê già cỗi đã được người dân chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đơn cử như ở thôn 2, bà con đã chuyển đổi từ diện tích cà phê năng suất kém sang trồng cây thanh long và chăn nuôi. Hiện có 200 hộ trong thôn trồng thanh long, với diện tích 65 ha và cũng nhờ loại cây này mà nhiều hộ đã khá lên.
Tiêu biểu như hộ ông Mai Sỹ Ánh. Sau khi tìm hiểu, học hỏi một số nơi, ông đã chuyển 1 ha cà phê già cỗi sang trồng cây thanh long. Sau một thời gian trồng thử, cây thanh long phát triển rất tốt, năng suất đạt 2,5 tấn/ha, mang lại nguồn thu nhập bình quân 240 triệu đồng/năm.
Ngoài phát triển trồng trọt, chăn nuôi cũng là một thế mạnh của xã, với nghề truyền thống của vùng là nuôi nai lấy nhung. Để khai thác tốt tiềm năng này, tháng 8/2017, HTX Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ nai Cư Êbur đã được thành lập, với tổng số vốn 1 tỷ đồng, hiện đã liên kết được nhiều thành viên sản xuất, hướng tới phát triển Thương hiệu nhung nai Cư Êbur.
Việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2017 tăng lên 33,25 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,64%, không còn hộ ở trong nhà tạm, dột nát.
Mô hình trồng cây thanh long đạt hiệu quả kinh tế cao của hộ ông Mai Sỹ Ánh |
Cán đích NTM đúng hẹn
Nhờ kinh tế phát triển, các phong trào xây dựng NTM như “Toàn dân chung tay xây dựng NTM”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Thắp sáng đường quê”... cũng lớn mạnh lên.
Bằng các hoạt động này, trong 7 năm qua, xã Cư Êbur huy động được hơn 30 tỷ đồng từ nhân dân (chiếm 34,35% tổng vốn huy động) để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
Ông Dương Hùng Vương (thôn 2), một trong những hộ dân tiêu biểu khi tự nguyện hiến 800 m2 đất làm đường giao thông nông thôn, chia sẻ: “Trước đây, ngày ngày tôi chứng kiến mọi người đi lại khó khăn trên con đường rộng hơn 1 m, nên khi có chủ trương làm đường, tôi sẵn sàng hiến đất để giúp mọi người đi lại thuận lợi hơn”.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND xã, phấn khởi cho biết với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trên địa bàn xã, sau 7 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay xã đã đạt 19/19 tiêu chí.
Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, tỷ lệ cứng hóa các trục đường giao thông đạt 72,5 - 100%, diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới đạt tỷ lệ 84,4%; 100% hộ sử dụng điện an toàn; số người có việc làm trong độ tuổi lao động đạt tỷ lệ 92,26%; 4/5 trường học đạt chuẩn quốc gia; xây dựng được nhà văn hóa đa năng và sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của xã...
Minh Thùy