Tiết kiệm chi phí, thời gian, giảm ô nhiễm môi trường và tái sử dụng để chăm sóc cây trồng, giá heo cao hơn hẳn so với nuôi truyền thống. Đây là cách làm đang được THT nuôi heo trên nền nệm lót sinh học thôn Nhơn Hòa 1 và nông dân xã Long Giang áp dụng thành công.
Nuôi heo bằng nệm lót sinh học
THT chăn nuôi heo thịt thôn Nhơn Hòa 1 có 11 thành viên, nuôi khoảng 600 con heo thịt. Trong đó, 8 hội viên đang nuôi heo trên nền nệm lót sinh học.
Là người tiên phong trong phong trào nuôi heo bằng hình thức này, anh Phạm Quốc Cường - Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Giang, chia sẻ: “Trước đây, thôn có truyền thống nấu rượu, nuôi heo. Nhà nào ít cũng vài con, nhiều lên đến hàng trăm con. Vì nuôi tự phát và phụ thuộc vào thị trường nên giá heo lên xuống thất thường, ảnh hưởng không nhỏ đến việc giữ đàn của các hộ”.
Sau khi tìm hiểu về nuôi heo trên nền nệm lót sinh học cho hiệu quả cao ở một số nơi trong tỉnh, anh Cường chọn thị xã Bình Long - nơi có tổng đàn heo lớn nhất, nhì tỉnh, để học tập kinh nghiệm. Từ thực tiễn, anh điều chỉnh lại cho phù hợp với điều kiện địa bàn rồi phổ biến rộng rãi cho các hộ chăn nuôi trong xã học tập.
Nệm lót sinh học cũng đơn giản, chỉ cần tro trấu, mùn cưa, men và cám gạo trộn đều với nhau. Nệm lót sinh học làm và vận hành đúng cách sẽ sử dụng được trong 5 năm, giúp giảm chi phí phòng bệnh, heo ít bị bệnh và giảm 60% công lao động.
Ông Phạm Quốc Hùng - thành viên THT, cho biết: “Với diện tích 30m2, tôi đang nuôi 11 con heo thịt. Nuôi heo bằng nệm sinh học tiết kiệm được điện, nước vì không cần dọn dẹp chuồng nuôi như trước và thời gian nuôi rút ngắn còn 3 tháng 10 ngày. Sau khi nuôi 4 hoặc 5 lứa, đem nệm lót ra bón cây trồng hoặc đóng thành bao bán cho các hộ có nhu cầu chăm sóc cây trồng với giá 25 ngàn đồng/bao”.
Mô hình nuôi heo sọc của gia đình ông Điểu Khuy |
Quản lý vốn vay hiệu quả
“Nhờ làm tốt quản lý, năng động trong tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, biết áp dụng KH-KT vào sản xuất nên không chỉ THT chăn nuôi heo thịt thôn Nhơn Hòa 1, mà các THT khác trên địa bàn xã cũng ngày càng phát huy hiệu quả. Thành quả này còn có sự tác động rất lớn từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân và Ngân hàng chính sách xã hội. Hiện quỹ và ngân hàng đã giải ngân cho nông dân vay gần 4,4 tỷ đồng phát triển sản xuất, đặc biệt không có nợ quá hạn”, anh Cường cho biết thêm.
Từ 5 con heo sọc được Hội Nông dân xã hỗ trợ, đến nay ông Điểu Khuy đã nhân giống lên 20 con. “Dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi bán được 5 con heo với giá 80 - 100 ngàn đồng/kg. Từ số tiền bán heo và thu hoạch vụ điều, gia đình đã trả xong 30 triệu đồng vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân”, ông Điểu Khuy khoe.
Thực hiện tiêu chí số 13 về “hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng NTM, đến nay, Hội Nông dân xã đã thành lập được 1 THT chăn nuôi heo thịt trên nền nệm lót sinh học, 1 THT chăn nuôi heo sọc đen của đồng bào dân tộc thiểu số, 1 chi hội nghề nghiệp và 1 tổ hội nghề nghiệp, hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản cho 37 hộ, đã sinh sản được 10 con bê, tạo tiền đề nâng cấp THT lên HTX.
Hà Thảo