Toàn tỉnh có khoảng 9.000 ha sầu riêng trồng dưới dạng chuyên canh, tập trung ở huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy, hàng năm đạt sản lượng trên 200.000 tấn quả mang lại cho nông dân một nguồn lợi kinh tế quan trọng.
Tuy nhiên, nghề trồng sầu riêng còn gặp nhiều khó khăn: Nông dân canh tác chủ yếu dựa trên kinh nghiệm, đầu ra không thuận lợi, khả năng cạnh tranh không cao...
Trước tình hình trên, Tiền Giang triển khai xây dựng thương hiệu thông qua thực hiện đề tài “Tạo lập, quản lý và quảng bá nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy” làm cơ sở đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, nhằm xác lập quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm đặc sản địa phương trên thị trường trong và ngoài nước.
Thông qua đề tài, các đơn vị tư vấn đã hỗ trợ địa phương trong việc xây dựng Hệ thống nhận diện thương hiệu và công cụ quảng bá cho nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy” gắn với sản phẩm trái sầu riêng với đầy đủ các yếu tố cần thiết, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật và tính pháp lý; đồng thời phối hợp với địa phương tập huấn, phổ biến các quy định về quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể cho các hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm trái sầu riêng.
Công bố nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy” (Ảnh Internet) |
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tiền Giang Trần Hữu Tước cho biết, quá trình xây dựng và được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy” chỉ là chặng đường đầu tiên.
Để khai thác tốt nhãn hiệu “Sầu riêng Cai Lậy”, địa phương cần tiếp tục triển khai nhiều công việc cần thiết như: Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong thâm canh và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các hoạt động canh tác; quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại.
Các ngành hữu quan cần có chính sách hỗ trợ về cấp quyền sử dụng nhãn mác, cấp phát tem nhãn, khuyến khích nông dân sử dụng nhãn hiệu tập thể “Sầu riêng Cai Lậy” một cách bài bản, đúng quy định pháp luật, phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Công Trí