Xã Cò Nòi bắt đầu xây dựng nông thôn mới từ năm 2012 và đến năm 2019 được công nhận xã nông thôn mới. Từ đó đến nay, Cò Nòi tiếp tục phát huy sức mạnh toàn dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa, hoàn thiện cơ sở hạ tầng để xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Nổi bật về kinh tế hàng hóa
Đến với Cò Nòi hôm nay không thể không nhắc đến những thành tựu trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của xã. Từ một vùng đất chỉ trồng cây ngắn ngày như ngô, sắn, lúa nương... đến nay Cò Nòi vươn lên trở thành vựa cây ăn trái lớn của tỉnh Sơn La với nhiều mô hình sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu biểu như HTX Đại Phát (bản Nhạp) đã phát triển mô hình chanh leo, nhãn, na, xoài, dâu tây theo chuỗi giá trị trên tổng diện tích 110ha. Trong đó diện tích lớn nhất là nhãn 35ha, xoài 35ha, na Thái 20ha.
Để nâng cao hiệu quả kinh tế, HTX đã xây dựng kế hoạch sản xuất theo từng mùa vụ gắn với thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, HTX còn được tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về xây dựng mô hình sản xuất an toàn. Trong đó, được hỗ trợ trên 130 triệu đồng làm nhà màng, 300 triệu đồng đổ bê tông 3 km đường nội đồng; hỗ trợ tem nhãn và tham gia các hoạt động quảng bá nông sản, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Không dừng lại ở diện tích trồng cây ăn quả, HTX còn có 1ha nhà màng sản xuất rau quanh năm nên nguồn thu rất đa dạng. Trung bình mỗi năm, HTX có thể thu về ít nhất 8 tỷ đồng từ mô hình sản xuất hàng hóa này. Ngoài tiêu thụ trong nước, HTX cũng đã đẩy mạnh liên kết, thúc đẩy đưa nông sản xuất khẩu để nâng cao giá trị kinh tế.
Ngoài HTX Đại Phát, Cò Nòi còn nổi lên với mô hình trồng dâu tây của HTX dâu tây Xuân Quế. HTX đang có khoảng 30 ha dâu tây của thành viên và liên kết tiêu thụ thêm khoảng 30 ha dâu tây nữa cho người dân. Vì vậy, trung bình mỗi vụ, HTX đã tiêu thụ khoảng 600 tấn dâu tươi và khoảng 200 tấn sản phẩm cấp đông.
Hiện nay, 100% diện tích trồng dâu tây của HTX đã được cấp Giấy chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP nên tạo nền tảng cho HTX xúc tiến thương mại cũng như phát triển thêm dịch vụ du lịch trải nghiệm, giúp thành viên nâng cao thu nhập.
![]() |
Trồng dâu tây hàng hóa là hướng phát triển kinh tế hiệu quả ở Cò Nòi. |
Việc phát triển các HTX với hướng đi hiệu quả đã chứng minh sức phát triển của Cò Nòi. Theo thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, không chỉ có các vùng trồng xoài, chanh leo, dâu, nhãn, Cò Nòi còn phát triển khá hiệu quả vùng trồng na Thái, mía, lúa, rau màu các loại và phát triển chăn nuôi, nuôi ong.
Đến nay, cả xã đã có 2.114 ha cây ăn quả các loại, trong đó, 307 ha đã được cấp mã số vùng trồng; trên 49 ha được cấp chứng nhận VietGAP và trên 756 ha sử dụng công nghệ tưới ẩm. Tổng đàn gia súc trên địa bàn hơn 24 nghìn con; đàn gia cầm trên 97 nghìn con và duy trì 2.620 đàn ong.
Để phát triển hiệu quả các cây con trên, xã đã hình thành được 29 HTX nông nghiệp, liên kết sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản từ đó giúp thu nhập bình quân đầu người trong xã đạt 45 triệu đồng/người/năm.
Xây dựng thành công bản kiểu mẫu
Với sự phát triển vững vàng về kinh tế, Cò Nòi đã đạt được những thành quả quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tiêu biểu như tại bản Mé Lếch được chọn là bản nông thôn mới kiểu mẫu của xã. Đến nay, bản đã đạt 16/16 tiêu chí nông thôn mới, 5/5 tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu và được công nhận bản nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. 100% số tuyến đường trục bản, đường ngõ xóm được cứng hóa; 100% hộ được sử dụng điện thường xuyên an toàn; trên 90% hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Đặc biệt nổi lên trong bản là mô hình HTX Mé Lếch với mô hình trồng na hàng hóa trên diện tích 150ha. Trung bình 1ha na cho thu hoạch 13-15 tấn quả/năm. Với giá bán dao động 30-35 nghìn đồng/kg na dai; 50-55 nghìn đồng/kg na Thái, trừ chi phí, thu nhập bình quân của thành viên đạt 400-600 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với một số loại cây trồng khác.
Đến nay, tất cả người dân trong bản Mé Lếch đều hiểu về lợi ích của xây dựng nông thôn mới nên đều đồng tâm cùng chính quyền địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng bản nông thôn mới kiểu mẫu. Nhân dân trong bản đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn tạp, liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nâng cao năng suất, giá thành sản phẩm.
Hiện, bản có trên 100 ha trồng cây ăn quả, 3 ha dâu tây, 7 ha rau các loại. Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng nuôi nhốt chuồng gắn với trồng cỏ voi làm thức ăn, với 115 con trâu, bò; trên 2.000 con lợn; 4.000 con gia cầm. Những mô hình này giúp thu nhập bình quân đầu người năm 2023 tại Mé Lếch đạt hơn 59 triệu đồng/người/năm; bản chỉ còn 2 hộ nghèo.
Thúc đẩy tiêu chí môi trường
Thành công ở nhiều mặt trong xây dựng nông thôn mới nâng cao nhưng điểm khó khăn ở Cò Nòi hiện nay đó chính là tiêu chí môi trường. Đây được xác định là một trong những tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã vì có nhiều chỉ tiêu cần thực hiện như nguồn lực hỗ trợ, nhận thức trong việc bảo vệ môi trường của người dân ở một số nơi còn hạn chế.
Đi liền với đó, quá trình phát triển kinh tế hàng hóa đòi hỏi người dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn phải đầu tư máy móc, công nghệ và sản xuất trên quy mô lớn. Làm sao để bảo đảm bài toán kinh tế và hạn chế môi trường chính là vấn đề đặt ra. Hiện, trên địa bàn xã vẫn còn một số gia đình sản xuất sắn dây, chăn nuôi nhưng chưa bảo đảm vệ sinh môi trường. Tình trạng rác thải đọng ở một số con suối vẫn còn xảy ra.
Ông Cầm Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, cho biết UBND xã ký hợp đồng với một doanh nghiệp thu gom rác. Nhưng có tình trạng một số tự ý ra đổ rác trong khi doanh nghiệp chỉ thu gom ở các điểm đổ rác đã quy định và có xe rác. Xã cũng được huyện hỗ trợ một phần kinh phí vận chuyển rác nhưng năm nay, giá cước tăng cao, gây nhiều khó khăn cho xã trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải.
Trước thực trạng trên, Cò Còi đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường. Xã đã phối hợp các tiểu khu, bản, lực lượng Công an xã tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện, hướng dẫn khắc phục.
Cò Nòi cũng thành lập các Tổ tự quản về bảo vệ môi trường khu dân cư để thực hiện tuyên truyền người dân trong khu vực nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, xã triển khai tuyên truyền, hướng dẫn 12 bản, tiểu khu về phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn; tổ chức thu gom rác thải trên 11 bản, tiểu khu; bố trí 97 xe gom rác đẩy tay, tập kết tại 6 vị trí.
Tuy nhiên theo lãnh đạo xã, để giải quyết triệt để vấn đề này, cần phải thực hiện hiệu quả quỹ đất để người dân phát triển sản xuất, chăn nuôi và đầu tư công nghệ một cách phù hợp. Bên cạnh đó, cần tính toán, bố trí nguồn ngân sách đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại địa phương đi liền với hình thành tổ hợp tác, HTX môi trường để nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển rác thải, từ đó từng bước thực hiện các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã.
Tùng Lâm