HTX Thanh Long Mỹ Tinh An (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo) đang là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả nhờ liên kết với nông dân chặt chẽ, đặc biệt luôn thu mua thanh long cho thành viên với giá cao hơn thị trường, đảm bảo lãi ít nhất 3.000 đồng/kg ngay cả khi thị trường biến động.
Nhiều điểm sáng HTX
Sau gần 15 năm phát triển, HTX Mỹ Tịnh An có 250 thành viên, liên kết nông dân sản xuất, tiêu thụ thanh long và một số cây hoa màu chủ lực của địa phương trên tổng diện tích 300ha.
Thanh long của HTX được sản xuất theo quy trình GlobalGAP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ, Úc, Trung Quốc. HTX có doanh thu trên dưới 50 tỷ đồng/năm, vì vậy sau khi đảm bảo lợi nhuận 3.000 đồng/kg cho thành viên, HTX vẫn có lợi nhuận 1,8-2 tỷ đồng/năm.
Ông Võ Chí Thiện, Giám đốc HTX Mỹ Tịnh An, cho biết doanh thu mỗi thành viên HTX hiện vào khoảng 300 đến 400 triệu/năm. Mong muốn của các HTX nói chung hiện tại là có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn thuận lợi hơn thay vì được vay tối đa 3 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ HTX tại địa phương.
Các HTX tại Tiền Giang đang có bước phát triển vượt bậc, tạo nhiều việc làm (Ảnh: BAB). |
Tương tự, HTX Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) hiện có 102 thành viên, quy mô sản xuất 191ha, những năm qua cũng có đà tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, năm 2023, sầu riêng xuất khẩu giá cao, thành viên và nông dân liên kết với HTX tự tin thu hàng trăm triệu đồng.
Có 6 công đất (tương đương 6.000m2) trồng 150 gốc sầu riêng Ri6 và Dona, anh Nguyễn Văn Triệu, thành viên HTX Ngũ Hiệp, cho biết vụ trái đầu năm 2023 sau khi trừ hết chi phí, anh lãi khoảng 1,2 tỷ đồng. Mỗi cây sầu riêng trong vườn hiện đạt năng suất 200kg/cây, 100% được HTX bao tiêu.
"Chỉ cần sầu riêng có giá trên 50.000 đồng là người trồng đã có lãi. Hiện, giá lên cao gấp 3 lần năm ngoái, chúng tôi rất mừng. Mong rằng giá này sẽ được giữ vững để bà con có thêm lợi nhuận, thoát nghèo làm giàu", anh Triệu nói.
Chìa khóa mở thành công
Những điển hình xuất hiện ngày càng nhiều cho thấy kinh tế hợp tác, HTX tỉnh Tiền Giang đang đi đúng hướng. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 261 HTX, quỹ tín dụng nhân dân, tăng 20 HTX so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 8,3%), đạt 103,6% kế hoạch. Doanh thu ước đạt trên 2.663 tỷ đồng.
Các HTX đang đóng vai trò cầu nối, hỗ trợ phát triển kinh tế hộ thành viên, đáp ứng nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ với chất lượng ngày càng tăng, giúp giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất và quy mô hoạt động. Qua đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và ổn định đời sống cho người dân.
Để có được những thành công trên, theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang, bên cạnh sự nỗ lực của các HTX, còn đến từ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành tạo hành lang pháp lý, hỗ trợ thiết thực cho sự ổn định, phát triển kinh tế hợp tác mà nòng cốt là HTX.
Hoạt động của khu vực kinh tế hợp tác, HTX luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp tích cực, đồng bộ của các sở, ban, ngành địa phương.
Thông qua các chính sách hỗ trợ phát triển, các HTX có điểm tựa sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới hóa, tham gia mô hình cánh đồng lớn, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo hướng VietGAP, GlobalGAP. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình HTX kiểu mới, điển hình tiên tiến.
Trong năm 2023, tỉnh sẽ tập trung phát triển kinh tế hợp tác, HTX gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác. Theo đó, mục tiêu quan trọng là tập trung củng cố, đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác theo chiều sâu trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc và giá trị HTX theo Luật HTX năm 2012.
Theo đó, tỉnh phấn đấu phát triển mới 10 HTX, tăng số lượng HTX lên 266 HTX, tổng số lượng thành viên tăng 5%, giải quyết việc làm thường xuyên cho 32.166 lao động, tăng 5% với thu nhập bình quân đạt 76,8 triệu đồng/người/năm, tăng 5%.
Doanh thu bình quân của HTX mục tiêu đạt 23,197 tỷ đồng/năm, tăng 5%, lợi nhuận bình quân 415 triệu đồng/năm, tăng 5%. Ngoài ra, tỉnh đặt mục tiêu xây dựng ít nhất 5 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương. Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất.
Mỹ Chí