Ông Trần Quang Hiệp (ngụ xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) là nông dân đầu tiên của Đồng Nai có vườn sầu riêng được cấp chứng nhận hữu cơ. Ông cũng là nông dân đi tiên phong trong trồng giống sầu riêng DONA cho chất lượng trái ngon, từng xuất khẩu đi Mỹ và các thị trường khó tính khác.
Chuyện của những tỷ phú
Gần 20 năm gắn bó với cây sầu riêng, ông Hiệp không ngừng học hỏi kiến thức, kinh nghiệm để hiểu rõ kỹ thuật canh tác, chăm sóc cây trồng này. Hàng chục năm trước, ông đã triển khai trồng sầu riêng an toàn theo hướng hữu cơ cho vườn cây để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
Sản xuất an toàn là nền tảng để ông Hiệp gặt hái những thành công hiện tại. Là Tổ trưởng Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế, ông đang tích cực hỗ trợ các thành viên với mục tiêu xây dựng được vùng chuyên canh sầu riêng triệu đô đạt chuẩn hữu cơ gắn với thương hiệu đặc sản sầu riêng của Đồng Nai.
Nhờ tư duy mới, nhiều nông dân ở Đồng Nai có thu nhập cao, trở thành tỷ phú miệt vườn. |
Tương tự, sau gần 10 năm lựa chọn khởi nghiệp với mô hình HTX, phát triển mô hình trồng lúa hữu cơ chất lượng cao, ông Trần Quang nay đã là một trong những tỷ phú nông dân có tiếng ở Xuân Lộc, Đồng Nai. Năm 2022, ông được bình chọn là “nông dân Việt Nam xuất sắc”.
Ông Quang chia sẻ, năm 2014, sau nhiều năm tự thân vận động, có những thành công ngoài mong đợi, ông quyết định thành lập HTX thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến để vừa chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, vừa tạo mô hình liên kết để nâng cao năng lực sản xuất.
Nhờ những đường hướng phát triển đúng đắn, HTX Xuân Tiến hiện có hàng trăm thành viên và hộ liên kết, triển khai canh tác trên tổng diện tích hơn 150 ha. 100% diện tích được áp dụng các giống mới, năng suất cao, chủ lực là giống lúa ST24 lừng danh khắp thế giới.
Bắt tay nhau làm giàu
Bên cạnh sử dụng giống chất lượng cao, để gia tăng sức cạnh tranh, ông Quang cùng các thành viên HTX đã chủ động đẩy mạnh cơ giới hóa, đầu tư hoàn thiện hệ thống máy sấy lúa, máy xay gạo, gieo hạt, máy thu hoạch cho ra hạt bắp, lúa ngay trên cánh đồng, góp phần giảm chi phí nhân công.
Nhờ sản xuất khoa học, hiện mỗi năm HTX Xuân Tiến trồng 2 vụ lúa, 1 vụ bắp. Trong đó, vụ bắp sẽ xuống giống vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 kéo dài đến cuối tháng 2 năm sau sẽ thu hoạch. Sau đó sẽ làm liên tiếp 2 vụ lúa. Doanh thu bình quân đạt 200-300 triệu đồng/ha/năm.
HTX Tâm Minh Quang cũng đang là một trong những lá cờ đầu trong phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghệ cao ở Đồng Nai. Hiện, HTX đang có trang trại rộng khoảng 35ha sản xuất theo chuẩn hữu cơ, sản lượng nông sản đạt hàng trăm tấn/năm.
Vốn là chủ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, Giám đốc HTX Tâm Minh Quang Nguyễn Văn Dũng chọn rẽ ngang đầu tư làm nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghệ cao vì ông rất quan tâm đến thực dưỡng bảo vệ sức khỏe con người.
Trang trại TamECO của HTX Tâm Minh Quang hiện được phủ xanh bởi nhiều loại rau, cây ăn trái cho hiệu quả kinh tế cao, với những sản phẩm hữu cơ chủ lực như bưởi, dưa hấu, ổi, đu đủ...
Đồng Nai đang chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm xóa nghèo, làm giàu cho nông dân. |
Hay như tại TP.Long Khánh từng là một trong 2 đơn vị cấp huyện đầu tiên của cả nước “về đích” nông thôn mới trong năm 2014. Hiện tại, thành phố tiếp tục dành nhiều sự quan tâm cho xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Với phương châm “lấy phát triển sản xuất làm gốc, lấy việc nâng cao đời sống nhân dân làm mục tiêu", chương trình xây dựng nông thôn mới ở Long Khánh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó hình thành nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả, tạo điểm tựa cho nông dân.
Điển hình như HTX nông nghiệp - dịch vụ - thương mại Bình Lộc (xã Bình Lộc) đang là đơn vị đầu tiên được cấp chứng nhận trái chôm chôm đạt chuẩn VietGAP của tỉnh. Với vai trò là "bà đỡ" cho thành viên, HTX thực hiện cung ứng vật tư nông nghiệp với giá gốc, hỗ trợ lắp hệ thống tưới nước nhỏ giọt, làm chứng nhận sản phẩm VietGAP…
Hiện, HTX Bình Lộc đang triển khai dự án cánh đồng lớn cho cây chôm chôm với hơn 100ha. Mục tiêu của HTX là xây dựng thương hiệu và đưa "tiếng thơm" của trái chôm chôm Long Khánh lan xa, đồng thời giúp người dân của xã có thể nâng cao thu nhập từ loại cây này.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Một điều đáng ghi nhận là nhiều vùng sản xuất ở Đồng Nai đang chủ động chuyển đổi từ canh tác nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, với các mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm cho giá trị cao.
Huyện Xuân Lộc đang là một trong những điển hình trong phát triển du lịch trên nền nông thôn mới. Cụ thể, huyện đang phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng đạt chuẩn OCOP ở các cụm du lịch sinh thái vườn tại các xã Xuân Bắc và Lang Minh.
Đến nay, các điểm du lịch vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa nâng tầm giá trị cho sản phẩm của nhà nông. Hiện, trên địa bàn huyện đang có 48 hộ dân đăng ký xây dựng mô hình vườn mẫu, tập trung tại các xã: Xuân Bắc (7 vườn), Xuân Tâm (6 vườn), Suối Cát (3 vườn), Lang Minh (2 vườn)…
Có thể thấy, trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, quỹ đất nông nghiệp bị thu hẹp, hầu hết các địa phương ở Đồng Nai đều đang đẩy mạnh đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng.
Mục tiêu đặt ra đến năm 2025, toàn tỉnh có 40 mô hình ứng dụng công nghệ cao. Nhưng đến nay, theo thống kê từ các địa phương, chỉ với lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh đã có 45 mô hình tiêu biểu về ứng dụng công nghệ cao, vượt chỉ tiêu về số lượng so với mục tiêu đề ra.
Các mô hình ứng dụng công nghệ cao đều có hiệu quả kinh tế cao hơn mô hình sản xuất thông thường từ 2-3 lần. Điển hình, sầu riêng có 5 mô hình ứng dụng công nghệ cao với diện tích 706 ha, thu lợi nhuận cao từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm. Về lĩnh vực thủy sản, công nghệ cao giúp giá trị sử dụng đất đạt bình quân trên 450 triệu đồng/ha/năm...
Để hiện thực hóa, thời gian tới, tỉnh dự kiến tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người nông dân về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản, phục vụ cho xuất khẩu. Các chính sách hỗ trợ cho nông dân, HTX, doanh nghiệp phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng sẽ được đẩy mạnh.
Mỹ Chí