HTX Cộng đồng Dao đỏ (thị xã Sapa) nổi lên không chỉ là mô hình trồng thảo dược đơn thuần mà còn khai thác rất tốt giá trị của thảo dược để phục vụ ngành du lịch.
Làm dược liệu gắn với du lịch
Với lợi thế nằm trong khu du lịch Sa Pa, những năm qua, HTX đã mở dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao đỏ tại địa phương phục vụ du khách. Ngoài ra, HTX còn thu hái, sơ chế, chế biến các loại thuốc tắm đóng chai để cung cấp ra thị trường. Cách làm này của các thành viên đã khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế thảo dược gắn với du lịch. Các sản phẩm từ thảo dược, những món ăn, bài thuốc quý của người dân địa phương cũng đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo. Chính vì vậy mà đến nay, HTX Cộng đồng Dao đỏ đã trở thành một trong những điểm du lịch quen thuộc đối với nhiều du khách mỗi khi đến Lào Cai.
Dù mới ở giai đoạn đầu nhưng HTX Nông nghiệp công nghệ cao Mường Hum (xã Mường Hum, huyện Bát Xát) đã chủ động phát triển trồng cây cỏ ngọt theo hướng hàng hóa, liên kết với doanh nghiệp tạo thành chuỗi giá trị để từng bước thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm.
Từ cuối năm 2022 đến nay, HTX Mường Hum thu hoạch 3 lứa cỏ ngọt với sản lượng khoảng 1 tấn sản phẩm khô. Hiện, cây cỏ ngọt khô được bán với giá bình quân 130 nghìn đồng/kg. So với trồng lúa, trồng cỏ ngọt cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần, người dân cũng không bị áp lực với giá phân, thuốc vì được HTX hướng dẫn sản xuất theo hướng an toàn, hạn chế lượng sử dụng.
Với hiệu quả kinh tế bước đầu từ cây cỏ ngọt mang lại, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Mường Hum đang ươm giống để mở rộng diện tích trồng cỏ ngọt lên 6,5 ha trong năm 2023 và tiếp tục mở rộng diện tích trong những năm tiếp theo. Theo anh Trương Văn An, Giám đốc HTX Mường Hum, các thành viên kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trồng cây dược liệu lên tới 15 ha, xây dựng thêm mô hình nuôi trùn quế, cải tạo cảnh quan để sản xuất chè kết hợp với du lịch... nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Mở cơ hội cho HTX và cộng đồng
Nếu như trước đây, các HTX, người dân, thậm chí là doanh nghiệp phát triển thảo dược ở Lào Cai chỉ tập trung trồng rồi xuất bán làm nguyên liệu cho doanh nghiệp, hoặc chế biến ở dạng thô rồi bán sản phẩm ra thị trường. Điều này xuất phát từ tư tưởng trồng dược liệu chỉ là trồng cây thuốc nên giá trị kinh tế chưa cao, chưa thực sự hình thành được chuỗi giá trị ngành hàng lớn và bền chặt trên toàn tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển dược liệu không còn đơn thuần là phát triển cây thuốc mà đã chuyển sang phát triển kinh tế thảo dược. Người dân, HTX đã quan tâm toàn bộ chuỗi giá trị từ giống, sản xuất, thu hoạch, chế biến đến gắn với làm du lịch nhờ tạo cảnh quan cho khu sản xuất, đầu tư công nghệ, hạ tầng nghỉ dưỡng giúp tối ưu hóa sản xuất và thị trường.
Thành viên HTX Cộng đồng Dao đỏ hướng dẫn khách du lịch sử dụng dịch vụ xông hơi bằng các bài thuốc của người Dao. |
Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh có 125 chuỗi nông sản an toàn với tổng 667 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP..., trong đó có đến 210 ha dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO.
Việc thúc đẩy sản xuất dược liệu bằng công nghệ tiên tiến được người dân, HTX, doanh nghiệp quan tâm triển khai đã và đang mang lại hiệu quả cao, như: Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ Atiso tại thị xã Sapa của Công ty TNHH MTV Traphaco Sapa quy mô 50 ha với 150 hộ tham gia, giá trị liên kết tiêu thụ đạt trên 13 tỷ đồng; Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ quế hữu cơ tại huyện Bảo Thắng của HTX Tâm Hợi quy mô 18 ha với 60 hộ tham gia, giá trị liên kết tiêu thụ đạt trên 85 tỷ đồng…
Việc khai thác triệt để các bước trong chuỗi giá trị dược liệu được cho là điểm mạnh của các HTX, doanh nghiệp ở Lào Cai nhờ địa phương có tiềm năng về cảnh quan, thổ nhưỡng, khí hậu và tri thức văn hóa bản địa. Nhiều HTX thành lập và phát triển ở những địa phương có các khu, điểm du lịch nổi tiếng như Sapa, Bắc Hà, Y Tý… nên thu hút lượng khách lớn đến tham quan, nghỉ dưỡng hằng năm.
Các thành viên HTX, người dân lại có đặc trưng văn hóa và bản sắc độc đáo, trong đó có tri thức về y học cổ truyền, y học dân gian, có nhiều kinh nghiệm sử dụng cây hương liệu, thảo mộc làm thức ăn, sản phẩm nâng cao sức khỏe nên tạo điều kiện thuận lợi để vừa sản xuất thảo mộc vừa phát triển du lịch trải nghiệm văn hóa, nghỉ dưỡng.
Bà Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc HTX Cộng đồng Dao đỏ, cho rằng du lịch nghỉ dưỡng và trải nghiệm nông nghiệp thảo dược đang góp phần đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ cho HTX, từ đó mang lại giá trị trải nghiệm phong phú cho khách hàng, đồng thời tạo cơ hội phát triển cho HTX và cộng đồng.
Những bước đi phù hợp
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), khoảng 80% dân số tại các quốc gia đang phát triển đang chú trọng đến chăm sóc sức khỏe bằng thảo dược, y học cổ truyền. Trong khi nhiều HTX ở Lào Cai đang sản xuất, kinh doanh những sản phẩm này theo chuỗi giá trị. Đây chính là hướng đi phù hợp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương và cũng tạo ra nhiều cơ hội, giá trị bền vững cho các HTX, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo các HTX, việc trồng thảo dược, dược liệu cũng có những khó khăn nhất định. Thực tế, nhu cầu thị trường về những sản phẩm này rất lớn trong khi nếu trồng theo quy trình sản xuất an toàn thì sản lượng nguyên liệu cung cấp cho sản xuất và chế biến thành các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cũng chỉ có hạn.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng hai địa phương cùng sản xuất một cây dược liệu, thảo mộc nhưng chỉ có một địa phương có đầu ra thuận lợi, địa phương còn lại thì gặp khó đầu ra. Điều này là do người dân trồng tự phát, không ký hợp đồng với HTX, doanh nghiệp thu mua. Mặt khác, có người dân, thành viên HTX muốn phát triển dược liệu theo hướng hàng hóa nhưng đất sản xuất rời rạc, ở nhiều nơi hoặc đất có nhiều nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên khó khăn thực hiện các điều khoản khi liên kết hợp đồng với doanh nghiệp.
Do đó, giai đoạn tới, để chuỗi giá trị thảo dược kết hợp du lịch của các HTX trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng bền vững, Lào Cai cần rà soát định hướng vùng sản xuất dược liệu của người dân, HTX phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai để tạo vùng sản xuất tập trung trên địa bàn đáp ứng được sản xuất dược liệu theo tiêu chuẩn GACP.
Ngoài ra, cần cân đối sử dụng đất canh tác hợp lý, bố trí sử dụng đất đai vùng sản xuất đảm bảo đầy đủ các điều kiện về sản xuất dược liệu quy mô tập trung, phát triển hàng hóa và hướng đến tích tụ ruộng đất, tối thiểu đạt 0,2 ha/hộ gia đình, 2 ha/khu vực và 5 ha trở lên/1 đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn. Vùng sản xuất dược liệu cần bố trí, sắp xếp làm sao có thể gắn hoặc gần kề với các cơ sở sản xuất giống dược liệu, các cơ sở thu mua, sơ chế, đóng gói, bảo quản sản phẩm dược liệu để tối ưu chi phí, gia tăng lợi nhuận.
Anh Trương Văn An, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Mường Hum, cho biết tuy cây cỏ ngọt đã mang lại những hiệu quả nhất định và HTX rất mong muốn mở rộng diện tích trồng nhưng việc mở rộng diện tích sản xuất của HTX cũng được tính toán theo quy trình, từng bước để có hiệu quả. HTX cũng kết hợp với chính quyền địa phương nhằm tiếp tục theo dõi, đánh giá mô hình sản xuất để có định hướng phát triển sản xuất, mở rộng diện tích một cách phù hợp nhất trong thời gian tới.
Tùng Lâm