Với dân số đông, Hà Nội và TP HCM là hai thị trường tiêu thụ nông sản, thực phẩm lớn nhất cả nước. Theo thống kê, Hà Nội hiện có 10,7 triệu người đang sinh sống, học tập, làm việc. Chính vì vậy, nhu cầu tiêu thụ nông sản, trong đó có các loại trái cây của Hà Nội được tính toán là khoảng 52.000 tấn/tháng. Tuy nhiên, nguồn cung tự có của thành phố mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của người dân.
Thị trường mở cho nông sản, thực phẩm
Tương tự, tại TP HCM, nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm hằng năm của người dân cũng khá lớn, trung bình là 1,8-1,9 triệu tấn rau củ quả, 330.000 tấn thịt… Tuy nhiên, năng lực tự sản xuất của TP HCM cũng mới chỉ có thể đáp ứng 20-30% nhu cầu của người dân.
Do vậy, thị phần đối với mặt hàng trái cây, nông sản cung ứng cho người dân ở hai thành phố lớn còn rất rộng, và cũng là cơ hội cho các HTX, liên hiệp HTX, người dân ở các tỉnh, thành khác tận dụng để mở rộng đầu ra.
Ngoài ra, theo thống kê ngành công thương, Hà Nội có 454 chợ, 28 trung tâm thương mại, 142 siêu thị, 1.840 cửa hàng tiện ích, địa điểm kinh doanh thực phẩm; TP HCM có 234 chợ truyền thống, 6 trung tâm thương mại, 237 siêu thị, hơn 3.000 siêu thị mini…
Điều này cho thấy, Hà Nội và TP HCM có hệ thống phân phối hàng hóa, nông sản, thực phẩm phong phú, đa dạng và cũng là những đầu mối giao thương hàng hóa lớn trên cả nước.
Trong khi đó, nhiều HTX cho rằng, nông sản Việt Nam hiện gặp những khó khăn nhất định trong việc xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường lớn, đòi hỏi những yêu cầu cao về kỹ thuật, chất lượng. Việc tìm hiểu những thị trường tiềm năng ở trong nước để có hướng sản xuất, đầu tư phù hợp, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng ở những thị trường này cũng giúp các HTX vơi bớt những khó khăn trong tiêu thụ.
Các chợ truyền thống có nhu cầu lớn về nông sản hàng hóa. |
Bà Nguyễn Thị Khang, Giám đốc HTX Hải Khang (Hà Giang) cho biết, nhu cầu của người tiêu dùng ở các thành phố lớn còn rất nhiều và tiềm năng. Việc chú trọng phát triển các thị trường này mang lại lợi ích khả quan cho các HTX, nhất là giúp các đặc sản vùng cao không bị bó hẹp ở các tỉnh miền núi.
Đặc biệt, Hà Nội là đầu vào và đầu ra của hàng hóa vùng Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc, còn TP HCM là đầu mối hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ. Chính vì vậy, hai thị trường này có khả năng lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển của hàng hóa cả nước nói chung. Đây là điều kiện thuận lợi, mở cơ hội giao thương, học tập kinh nghiệm cho các HTX.
Nắm bắt nhu cầu tiêu dùng
Theo các chuyên gia, thu nhập của người dân ở hai thành phố Hà Nội và TP HCM đang ngày càng tăng cao, do đó nhu cầu mua sắm hàng hóa, nông sản, thực phẩm cũng tăng nhanh. Tuy nhiên, các HTX, liên hiệp HTX cần nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người dân, người tiêu dùng để có các tiếp cận thị trường một cách phù hợp và hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho biết, với nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng cao, người tiêu dùng ở thành phố lớn đang hướng đến sử dụng các nông đặc sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có chứng nhận… Và chính vì có thu nhập cao hơn nên những yêu cầu về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm của người tiêu dùng ở Hà Nội và TP HCM có phần khắt khe hơn.
Ngoài ra, người tiêu dùng ở các thị trường này còn chú trọng sử dụng các sản phẩm sạch, giảm đường, giảm muối, ít phụ gia gây hại cho sức khỏe và đây cũng đang là xu hướng của người tiêu dùng hiện đại.
Chính vì vậy, việc ưu tiên sản xuất ra các sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường từ nguyên liệu đến quy trình sản xuất, chú trọng bảo vệ sức khỏe chính là cơ hội của HTX và cũng là cách đóng góp của HTX vào phát triển xã hội khi từng bước thay đổi lối sống, cách suy nghĩ, hành vi của người tiêu dùng, từ đó nâng cao nhu cầu sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ do chính các HTX sản xuất ra.
Ngoài ra, hai thành phố Hà Nội và TP HCM là đầu mối tiêu thụ hàng hóa lớn nên thị trường hàng hóa cũng mang tính đa dạng, loại hình thị trường hàng hóa cũng phong phú hơn. Các HTX cũng cần có nhiều phương thức bán hàng, tiếp cận khách hàng để tối ưu được đầu ra cho nông sản, thực phẩm.
Cụ thể như có những nhóm người tiêu dùng trẻ hiện ưa thích mua sắm ở các kênh phân phối hiện đại như: trung tâm thương mại, siêu thị và những địa điểm bán lẻ gần nhà. Nhưng xét về số lượng thì các kênh phân phối hiện đại hiện chỉ chiếm khoảng 30%, còn các kênh phân phối truyền thống vẫn chiếm tới 70%. Trong khi các hệ thống chợ truyền thống lại có nhu cầu lớn với các mặt hàng nông sản, hàng hóa tươi sống - là mặt hàng chủ đạo của các HTX.
Vậy nên, tùy từng kênh phân phối, HTX cần có các hoạt động từ sản xuất, sơ chế, đóng gói, khuyến mãi, trưng bày… một cách phù hợp.
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, một kênh tiêu thụ nông sản, hàng hóa khá hiệu quả hiện nay là các chợ đầu mối. Tuy nhiên, việc vận hành chợ đầu mối ở hai thành phố lớn sẽ có những điểm khác so với các chợ truyền thống ở các tỉnh, thành khác. Điều này cũng vô tình gây ra khó khăn cho các HTX trong quá trình tiếp cận thị trường.
Chẳng hạn như nhiều người tiêu dùng trẻ ở thành phố lớn hiện có suy nghĩ hàng ở chợ là hàng kém chất lượng. Đi liền với đó là họ không đánh giá cao môi trường vệ sinh, không gian ở các chợ truyền thống nên không coi đây là điểm mua sắm hàng hóa, nông sản hàng ngày. Còn về phía các HTX, việc khó đưa nông sản vào các chợ truyền thống có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó có thể do sự cạnh tranh từ các nguồn cung nông sản khác như các nhà sản xuất nhỏ lẻ hoặc nguồn nông sản nhập khẩu. Ngoài ra, vấn đề về vận chuyển và tiếp thị cũng có thể gây khó khăn cho HTX khi đưa nông sản vào chợ truyền thống.
Vấn đề đặt ra là bên cạnh việc các HTX cần nâng cao chất lượng sản phẩm để từng bước thay đổi thói quen, nhận thức của các nhóm người tiêu dùng thì các thành phố lớn cũng cần làm thế nào để chợ đầu mối hoạt động đúng nghĩa. Việc này nhằm tạo điều kiện cho HTX, nông dân đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, không bị gò ép, giảm thiểu hư hỏng sản phẩm, hạn chế các khâu trung gian để sản phẩm không bị đội giá thành bởi các chi phí khác.
Huyền Trang