Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; dễ làm trước, khó làm sau, Vĩnh Phúc đã thu được “trái ngọt”. Đến nay, 4 huyện, thành phố là: Yên Lạc, Vĩnh Yên, Bình Xuyên, Phúc Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 100% xã đạt chuẩn NTM trong năm 2019, dự kiến sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm nay.
Bên cạnh việc cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM thì những tiêu chí quan trọng nhất đều cán đích ở mức cao, thậm chí cao hơn bình quân cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh giảm còn 2,11%, thu nhập bình quân đạt gần 40 triệu đồng/người, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt gần 92%, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch lên đến 98%...
Liên kết chặt chẽ
Để có được kết quả này, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các địa phương tập trung triển khai nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, xây dựng NTM kiểu mẫu, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, liên chú trọng kết “4 nhà”, từ đó sản xuất chuyển từ quy mô nhỏ lẻ sang cánh đồng lớn, góp phần nâng cao thu nhập của người dân vùng nông thôn.
Những tiêu chí NTM quan trọng nhất Vĩnh Phúc đều cán đích ở mức cao (Ảnh Tư liệu) |
Thay bằng sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, đến nay tỉnh đã quy hoạch được 1.640ha vùng sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP, quy hoạch phát triển chăn nuôi theo vùng và xã trọng điểm, với gần 1.100 trang trại, 33 xã chăn nuôi lợn, 38 xã chăn nuôi gia cầm, 21 xã chăn nuôi bò thịt và 22 xã chăn nuôi bò sữa, 160ha mô hình nuôi cá giống mới.
100% các xã đều có HTX hoạt động hiệu quả và có dịch vụ cơ bản, thiết yếu phục vụ thành viên và có mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực bảo đảm bền vững. Có 112/112 xã (100%) đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất.
Thực tế, quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện liên kết 4 nhà (nhà nông – nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp) để hoàn thiện tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM tại Vĩnh Phúc đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất trên quy mô lớn, có sự liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp. Từ đó, thu nhập của người dân nông thôn ngày một tăng cao.
Vụ mùa vừa qua, mô hình liên kết “4 nhà” được triển khai tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý (xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên) với quy mô 30 ha, sử dụng giống lúa thuần DQ11 do Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang (tỉnh Ninh Bình) cung ứng và ký hợp đồng bao tiêu cho sản phẩm.
Tham gia dự án, các thành viên trong HTX được huyện hỗ trợ 70% chi phí mua giống, phân bón hữu cơ và được các cơ quan chuyên môn hỗ trợ trong việc dự thính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh, hướng dẫn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra sản phẩm gạo chất lượng tốt, liên kết tiêu thụ và xây dựng thương hiệu.
Thay đổi bộ mặt nông thôn
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, thực hiện liên kết “4 nhà” từ sản xuất đến tiêu thụ trong sản xuất gạo chất lượng cao ở địa phương giúp nông dân tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng năng suất và thu nhập; đồng thời góp phần thay đổi thói quen canh tác, hạn chế ô nhiễm môi trường, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững.
Mô hình trồng thanh long ruột đỏ tại Lập Thạch (Ảnh TL) |
Không chỉ riêng ở huyện Bình Xuyên, thời gian qua, huyện Lập Thạch đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện mô hình sản xuất liên kết “4 nhà” trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tuyên truyền nhân dân thay đổi phương thức, tập quán canh tác truyền thống, đưa giống cây trồng có chất lượng cao vào trồng thử nghiệm. Nhờ đó, một số cây trồng chính ổn định về diện tích và tăng năng suất do đầu tư thâm canh và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất.
Tiêu biểu là dự án thí điểm trồng cây thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện được triển khai tại 3 xã: Vân Trục, Ngọc Mỹ, Xuân Hòa cho thu nhập bình quân ước đạt 350 – 400 triệu đồng/ha/năm; dự án phát triển chăn nuôi bò sữa ở các xã: Thái Hòa, Liên Hòa, thị trấn Hoa Sơn với khoảng 60 hộ tham gia. Các hộ dân nuôi bò sữa đều có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong ngành trong việc bao tiêu đầu ra.
Nhờ chú trọng liên kết 4 nhà trong xây dựng NTM, doanh thu từ bò sữa tại Lập Thạch đạt khoảng 11-13 tỷ đồng/năm. Bộ mặt nông thôn của huyện Lập Thạch đã thay đổi rõ rệt, kinh tế ngày càng phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người được tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm.
Mục tiêu của tỉnh Vĩnh Phúc trong năm nay là có 265 HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Trong đó, về sản xuất, hoàn thiện, nâng cao chất lượng phương án tổ chức sản xuất của HTX theo hướng chuyên canh, thâm canh cao, tăng cường liên kết 4 nhà trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm để mở rộng các mô hình kinh tế hiệu quả như tại 2 huyện Bình Xuyên và Lập Thạch.
Tiến Minh