Chợ Đồn được đánh giá là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có nhiều tiềm năng trong phát triển các mô hình sản xuất nông - lâm nghiệp. Đến nay, huyện đã quy hoạch và phát triển được một số vùng trồng cây đặc sản như cam, quýt tại xã Đồng Thắng, Phương Viên; cây hồng không hạt tại xã Đồng Lạc, Tân Lập, Quảng Bạch; cây chè Shan tuyết ở xã Bằng Phúc...
OCOP gia tăng giá trị nông sản
Sau gần 3 năm đẩy mạnh triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP), huyện Chợ Đồn đã có 14 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh, trong đó có 4 sản phẩm đồ uống, 10 sản phẩm về thực phẩm.
Hồng không hạt là một trong những sản phẩm thế mạnh của huyện Chợ Đồn. |
Điển hình như rau su su của HTX Phia Khao (thôn Phia Khao, xã Bản Thi), quýt Rã Bản của HTX Toàn Thắng (thôn Khuổi Giả, xã Đồng Thắng), gạo Bao thai và gạo Japonica của HTX Hoàn Thành (thôn Nà Làng, xã Phương Viên), măng khô của HTX Cao Phong (thôn Bản Eng, xã Xuân Lạc), hồng không hạt của HTX Tân Phong (thôn Bản Lác, xã Quảng Bạch)…
Các sản phẩm OCOP đã và đang góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, tạo ra sự thay đổi rõ rệt về hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn.
Đơn cử như với sản phẩm hồng không hạt, toàn huyện Chợ Đồn đang có khoảng 169 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt 112ha, năng suất bình quân 45 tạ/ha, sản lượng 504 tấn/năm.
Cây hồng đang mang lại thu nhập bình quân 100 - 200 triệu đồng mỗi vụ cho hộ trồng hồng tại các xã Quảng Bạch, Đồng Lạc. Với giá trị kinh tế cao, nhiều hộ nông dân tại các địa phương này đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng hồng.
HTX Tân Phong (xã Quảng Bạch) đang là đơn vị điển hình trong sản xuất hồng không hạt trên địa bàn huyện. Nhờ phát triển sản xuất an toàn, đảm bảo tốt các tiêu chuẩn về vệ sinh thực phẩm, tháng 8/2017, hơn 3 ha hồng không hạt của HTX được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
Với chứng nhận này, HTX trở thành đơn vị tiên phong của huyện Chợ Đồn và cũng là đơn vị đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn đạt chứng chỉ VietGAP cho quả hồng không hạt, mở ra cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho cây hồng không hạt tại địa phương. Hồng của HTX cũng đang là một trong 14 sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh.
Khởi sắc nông thôn mới
Những thành công trong phát triển sản phẩm OCOP góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Chợ Đồn, thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao.
Diện mạo nông thôn khởi sắc cùng với tiến trình xây dựng nông thôn mới. |
Đến nay, bình quân số tiêu chí nông thôn mới đã đạt của huyện là 11,6 tiêu chí. Có 2 xã đạt 19 tiêu chí là xã Đồng Thắng, Yên Thượng; xã Nghĩa Tá đạt 16 tiêu chí; 10 xã đạt 10-14 tiêu chí; 6 xã đạt 5-9 tiêu chí và không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.
Trên nền tảng đang có, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, có 30 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, bình quân tiêu chí nông thôn mới của toàn huyện đạt 15 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 10 tiêu chí. Thu nhập bình quân tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020, tương đương đạt trên 35 triệu đồng/người/năm.
Để hiện thực hóa mục tiêu, huyện sẽ tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị của các sản phẩm đặc sản của địa phương. Đồng thời, tiếp tục thu hút HTX, doanh nghiệp tham gia và phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, thực hiện có hiệu quả hơn nữa Đề án OCOP để tạo dựng thương hiệu và vị thế cho nông sản địa phương.
Huyện cũng sẽ chủ động nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới đặc thù để tạo động lực thúc đẩy triển khai có hiệu quả các nội dung như xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, thể thao nông thôn, tăng cường bảo vệ môi trường nông thôn...
Hưng Nguyên