Theo thống kê, hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện đã xác định được sản phẩm nông nghiệp có lợi thế để đầu tư phát triển. 7/7 huyện, thành phố xây dựng được ít nhất 1 sản phẩm OCOP. Tỉnh cũng có 47 sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, khẳng định được thị phần, điển hình như chè xanh Mỹ Lâm, cá đặc sản hồ Na Hang...
OCOP phát triển cả "chất" và lượng
Trong đợt đánh giá chương trình OCOP vào tháng 8/2020, sản phẩm chè Shan tuyết loại 1 tôm 1 lá của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái (huyện Na Hang) và cam sành Hàm Yên của CTCP Cam Sành Hàm Yên được đánh giá, chấm điểm 4 sao theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Chè Shan tuyết đang là một trong những sản phẩm OCOP hàng đầu của tỉnh Tuyên Quang. |
Ông Đặng Ngọc Phố, đại diện HTX Sơn Trà chia sẻ, nhờ chất lượng vượt trội, chè Shan tuyết Na Hang được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lựa chọn làm quà tặng tặng Thủ tướng Malaysia năm 2019.
Sau khi được gắn 4 sao OCOP, sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái đã có thêm 5 siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội, TP.HCM và Hải Phòng ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Trong thời gian tới, HTX dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất để cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh nhằm đưa sản phẩm xuất khẩu và hướng tới đạt chuẩn 5 sao.
Với cam sành Hàm Yên, sau những danh hiệu như TOP 10 nhãn hiệu - thương hiệu nổi tiếng Việt Nam, thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam, sản phẩm này tiếp tục khẳng định vị thế trong “cuộc đua” OCOP của tỉnh Tuyên Quang.
Hiện, người trồng cam Hàm Yên đang thực hiện mục tiêu chuyển đổi biện pháp canh tác theo hướng VietGAP, hữu cơ, không ngừng nâng cao giá trị sản phẩm vươn tầm cấp quốc gia.
Bên cạnh 2 sản phẩm đạt 4 sao kể trên, tỉnh Tuyên Quang cũng đang có 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Điển hình như: Chè Shan Khau Mút, cá kho Mạnh Mẽ, chè Pà Thẻn Linh Phú, rượu nếp cất 2 lần Ông Chấp, chè Shan Tuyết Hồng Thái loại 1 tôm 2 lá, rượu ngô Na Hang Trung Phong, bún khô Đà Vị...
Khởi sắc diện mạo nông thôn
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang, dự kiến đến hết năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục họp xét, đánh giá 62 sản phẩm và thực hiện gắn sao đối với sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Diện mạo nông thôn mới của các xã trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ngày càng khởi sắc. |
Các kết quả thực tế chứng minh những thành công trong phát triển sản phẩm OCOP góp phần lan tỏa mạnh mẽ thương hiệu địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường và quan trọng nhất là nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần tích cực hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Ðến nay, tỉnh Tuyên Quang đã có 36 trong số 124 xã (chiếm 29,03%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có hơn 84 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó có ít nhất 30% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và 10% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Những thành quả trong xây dựng nông thôn mới giúp diện mạo kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của tỉnh ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân liên tục được nâng lên.
Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang dự kiến tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ để hoàn thành các mục tiêu như kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa gắn với sân thể thao thôn, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, HTX, hỗ trợ sản xuất hàng hóa…
Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương chủ động nắm bắt, phát hiện những cách làm hay, mô hình tốt để phổ biến, nhân rộng, làm tốt công tác khen thưởng để kịp thời động viên các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho xây dựng nông thôn mới.
Nhật Minh