Để thúc đẩy sản xuất hàng hóa chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, xã Hồng Thuận đã đẩy mạnh quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật như điện, trạm bơm, bê tông hóa hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng...
Xây dựng chuỗi giá trị
Các chính sách hỗ trợ của địa phương tạo điều kiện để người dân trên địa bàn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, thủy sản, nấm tươi.
Điển hình có thể kể đến chuỗi liên kết tiêu thụ nấm của HTX Nấm và tiểu thủ công nghiệp Tuấn Hiệp, thu hút 12 thành viên tham gia.
Mô hình trồng nấm của HTX Tuấn Hiệp cho hiệu quả kinh tế cao (Ảnh TL). |
Để phát huy hiệu quả, thành viên HTX Tuấn Hiệp đã tiến hành liên kết sản xuất, kinh doanh với các hộ sản xuất trong khu vực theo quy trình khép kín từ thu mua nguyên liệu làm phôi, nuôi cấy giống, nuôi trồng, chế biến và cung ứng thành phẩm ra thị trường.
Nhờ hoạt động ổn định, trung bình mỗi năm, HTX Tuấn Hiệp cung ứng ra thị trường 5 tấn mộc nhĩ khô, 20 tấn nấm sò tươi, gần 1 tấn nấm linh chi dược liệu và nhiều sản phẩm đã chế biến từ nấm như giò nấm, nem nấm và nấm chiên giòn…
Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nấm của HTX không chỉ mang lại lợi nhuận ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho HTX, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương với mức thu nhập bình quân trên 150 nghìn đồng/người/ngày.
Tương tự, mô hình liên kết nuôi bò cũng đang đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Được biết, xã Hồng Thuận là một trong những địa phương đầu tiên của huyện thực hiện mô hình nuôi bò giảm nghèo vào đầu năm 2019.
Sau gần 2 năm, các mô hình nuôi bò giảm nghèo của xã đã đi vào ổn định, cơ bản đạt hiệu quả, thu nhập của hộ gia đình tham gia dự án tăng 20-25%/năm.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Nhờ hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đến nay xã Hồng Thuận đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,1%, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 91%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35 triệu đồng/năm.
Các chính sách thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo của xã Hồng Thuận sẽ tiếp tục được đẩy mạnh (Ảnh TL). |
Với mục tiêu nâng thu nhập bình quân lên 50 triệu đồng/người/năm trong 5 năm tới, xã Hồng Thuận đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có chính sách đẩy mạnh đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Thực tế, các chương trình đào tạo nghề của xã cũng đã được triển khai khá hiệu quả trong 5 năm qua, với hàng chục lớp đào tạo nghề, bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn về sản xuất nông nghiệp, thu hút hàng nghìn lượt người tham gia.
Điển hình, từ năm 2019 đến nay, xã tổ chức 2 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm cho 100 hộ nông dân; 2 lớp về sử dụng các loại phân bón nông nghiệp và kỹ thuật chăn nuôi theo mô hình tiết kiệm nước với 120 hộ tham gia.
Cùng với đào tạo nghề, xã Hồng Thuận dự kiến tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo.
Xã cũng sẽ đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, chú trọng tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Nhật Minh