Cooperatives | Thứ năm, 24/11/2022 | 07:41 GMT+7
0 |

Vấn đề tôn giáo gắn với sự phát triển nông nghiệp của người Bru - Vân Kiều ở Quảng Trị

Những tín ngưỡng, tâm linh tốt của người Bru – Vân Kiều ở Quảng Trị được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cộng đồng người Bru – Vân Kiều cũng biết liên kết, hợp tác với nhau trong sản xuất nông nghiệp thông qua các mô hình kinh tế tập thể, HTX.

Người Bru (trong các văn bản Việt Nam gọi là người Vân Kiều) được chính thức công nhận là một trong 54 dân tộc của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, là những người Thượng, nói tiếng Môn – Khơ me sống ở miền Trung Việt Nam, gần vĩ tuyến 17 (khu phi quân sự cũ giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam), ở cả hai phía biên giới Lào và Việt Nam.

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, các HTX nông nghiệp đã khẳng định vai trò là bệ đỡ cho người nông dân phát triển sản xuất. Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động, đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Nhiều HTX ra đời do đồng bào dân tộc thiểu số người Bru – Vân Kiều quản lý giúp thay đổi bộ mặt kinh tế ở địa phương nơi đây. Đặc biệt, người Bru – Vân Kiều có những nét độc đáo về đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo.

Biểu đồ tỷ lệ đồng bào theo tôn giáo ở Quảng Trị.

Tôn giáo của người Bru – Vân Kiều dựa trên sự thờ cúng một số vị thần “vạn vật hữu linh” và thờ cúng tổ tiên. Ngày nay, những tín ngưỡng, tâm linh tốt của người Bru – Vân Kiều được ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh.

Cộng đồng các dân tộc tỉnh Quảng Trị gồm 3 dân tộc chính: Kinh, Vân Kiều và Pa Cô. Mỗi dân tộc đều có lịch sử lâu đời và có truyền thống văn hóa phong phú, đặc sắc, đặc biệt là văn hóa dân gian. Riêng ở tỉnh Quảng Trị, đồng bào Vân Kiều có khoảng hơn 55.000 người, chiếm gần 10% tổng dân số toàn tỉnh. Bà con cư trú chủ yếu ở hai huyện miền núi là Hướng Hóa và Đakrông. Đời sống tâm linh của đồng bào Vân Kiều độc đáo và đặc sắc, không chỉ được người dân bản địa quan tâm mà có những nhà khoa học quốc tế cũng chú ý đến vấn đề này.

Toàn tỉnh Quảng Trị có 9 tôn giáo khác nhau đạt 86.363 người, nhiều nhất là Phật giáo có 52.881 người (61%), tiếp theo là Công giáo có 25.720 người (29,7%), đạo Tin lành có 7.750 người (8,9%) và các tôn giáo khác chiếm 0,4%.

Còn nhớ năm 2019 ở thị trấn Khe Sanh thuộc huyện miền núi Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) diễn ra cuộc triển lãm đặc biệt mang tên "Thần linh, tổ tiên và thầy cúng người Bru - Vân Kiều ở dãy Trường Sơn" thu hút nhiều người xem.

Triển lãm giới thiệu gần 80 bức ảnh được trưng bày do GS. Vargzas Gabó, một chuyên gia nghiên cứu dân tộc học người Hungary từng lăn lộn nhiều năm trên dãy Trường Sơn để nghiên cứu đời sống tâm linh của tộc người Bru - Vân Kiều.

Chẳng hạn, theo quan niệm cổ truyền, khi muốn tìm một mảnh đất làm rẫy thì bà con cầm hai thẻ tre gieo lên xem quẻ thế nào, tương tự như đồng bào Kinh xin quẻ âm dương. Nếu quẻ thuận, đêm đến ngủ mơ thấy trẻ con, ruộng rẫy... tóm lại điềm lành thì được, còn thấy cảnh chết chóc, săn đuổi... thì phải chọn nơi khác.

Đồng bào Vân Kiều quan niệm vật linh luận nên thờ cúng nhiều vị thần. Cao nhất là Yang (Trời) rồi đến các vị thần nước, thần sông, thần lúa... và họ cũng cho rằng mỗi người sống đều có linh hồn nên thờ thần bản mệnh. Chúng ta vào nhà bà con Vân Kiều sẽ thấy các bát bỏ trong các giỏ tre, ấy là vật thờ thần bản mệnh cho từng người. Khi đau ốm, trước đây bà con sẽ mời thầy mo đến cúng và đem chiếc chén bản mệnh ra thực hành nghi lễ cúng bái. Thầy mo sẽ gọi hồn người ốm và khấn vái thần linh. Nếu khỏi bệnh sẽ làm gà, dê, heo... tùy theo điều kiện để tạ ơn thần linh và cảm ơn thầy mo.

Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh Quảng Trị có khoảng 300 HTX nông nghiệp và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012, chủ yếu là loại hình HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp: 223 HTX, chiếm 77%; 58 HTX trồng trọt, chiếm 20%; 6 HTX chăn nuôi, chiếm 2,1%; còn lại các HTX lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ lệ thấp. Tổng số thành viên các HTX nông nghiệp 71.549 thành viên.

Doanh thu bình quân 1,2 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân 120 triệu đồng/ năm/HTX. Tổng giá trị tài sản các HTX là 480 tỷ đồng. Tổng số vốn điều lệ 84 tỷ đồng, bình quân 300 triệu đồng/HTX. Kết quả phân loại HTX (theo Thông tư 09/2017/TTBNNPTNT của Bộ NN&PTNT), toàn tỉnh có 22% HTX loại tốt, 36% loại khá, 40% loại trung bình, 2% loại yếu. Có 19% HTX có tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Các loại hình HTX nông nghiệp ở Quảng Trị.

Số HTX ứng dụng công nghệ cao tính đến hết năm 2020 khoảng 5% (16 HTX). Trong lĩnh vực HTX tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm“ (OCOP), toàn tỉnh có 53 sản phẩm OCOP của tỉnh giai đoạn 2019- 2020, có 7 sản phẩm OCOP được công nhận cho chủ thể là HTX nông nghiệp từ 3 sao đến 4 sao (chiếm 13% sản phẩm OCOP toàn tỉnh), trong đó có 2 sản phẩm của HTX nông nghiệp đạt 4 sao (chiếm tỷ lệ 28% tổng số sản phẩm đạt 4 sao của tỉnh).

Một khảo sát chưa đầy đủ cho thấy HTX nông nghiệp do đồng bào Bru – Vân Kiều chiếm khoảng 10% trong tổng số các HTX nông nghiệp ở Quảng Trị. Dù tỷ lệ chưa phải cao nhưng đây là bước tiến lớn trong sản xuất nông nghiệp của đồng bào Bru– Vân Kiều.

Đồng thời, nhờ những tín ngưỡng thờ thần, tập trung vào những sản phẩm có lợi thế như lúa nước, dược liệu, cà phê…, các HTX đang đóng vai trò dẫn dắt đồng bào Bru – Vân Kiều thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu.

Đơn cử, trước đây, người Bru – Vân Kiều chọn hạt giống, nơi gieo hạt thông qua vào các “vị thần”, thì nay hạt giống, nơi gieo hạt, quy trình sản xuất được HTX hướng dẫn. Từ đó, tham gia vào HTX, năng suất sản xuất của đồng bào Bru – Vân Kiều đã tăng gấp nhiều lần, nông sản bán được giá cao hơn 20-30%, từ đó thu nhập người dân gia tăng.

Được thành lập năm 2017 tại thôn 5, xã Hải Phúc (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) hoạt động trong lĩnh vực trồng cây dược liệu và chưng cất tinh dầu, Vanpa là mô hình kinh tế HTX đầu tiên của huyện Đakrông. Mặc dù thời gian hoạt động chưa dài, nhưng những kết quả đạt được của HTX Vanpa đã cho thấy đây là hướng đi phù hợp với điều kiện của vùng miền núi, góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Lá sả tươi được HTX thu mua với giá 1.000 đồng/kg; bình quân 1 ha trồng sả mỗi năm thu hoạch cắt lá sả từ 4 - 5 lượt với sản lượng khoảng 40 - 50 tấn lá sả, cho thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/ha/năm.

Theo ước tính, chi phí ban đầu trồng 1 ha cây sả chỉ khoảng 35 triệu đồng, trong khi chu kỳ khai thác dài từ 3 - 7 năm tùy theo từng loại đất. Như vậy, ngay trong năm đầu tiên thu hoạch, sau khi trừ chi phí đầu tư, người dân đã có lãi. Các năm sau không tốn chi phí kiến thiết cơ bản thì phần lãi ròng của nông dân càng nhiều hơn.

Do mô hình này bước đầu có hiệu quả kinh tế nên đã thu hút thêm nhiều hộ tham gia trồng dược liệu. Đến nay, HTX đã liên kết tới 55 hộ trồng 4 loại cây chính là sả, hương nhu, gừng và nghệ với tổng diện tích gần 35 ha tại 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa.

Theo Sách Trắng HTX 2021, tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm 31/12/2019 đạt 225.783 tỷ đồng, giảm 0,3% so với cùng thời điểm năm 2018.

Tuy nhiên, thống kê cho thấy có 30/63 địa phương có mức độ thu hút vốn của HTX năm 2019 giảm so với năm 2018, trong đó 10 địa phương giảm trên 20% gồm: Gia Lai giảm 79,9%; Ninh Thuận giảm 63,9%; Đắk Nông giảm 48,4%; Trà Vinh giảm 48,1%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 40,0%; Khánh Hòa giảm 39,5%; Quảng Trị giảm 36,6%; Hà Nam giảm 36,5%; Nghệ An giảm 29,7%; Vĩnh Phúc giảm 22,8% (Nguồn Sách Trắng HTX 2021).

Nguồn: Sách trắng HTX 2021.

Trong thời gian qua, HTX nông nghiệp cả nước nói chung và HTX của đồng bào dân tộc thiểu số Bru – Vân Kiều ở Quảng Trị còn gặp rất nhiều khó khăn. Đối với đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều do việc tiếp cận nguồn văn hóa tri thức còn hạn chế nên nguồn nhân lực có trình độ đảm nhiệm HTX hạn chế (khó khăn này chiếm tới 87%).

Cùng với đó, HTX do đồng bào Bru – Vân Kiều vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ về vốn, đất đai, máy móc sơ chế nông sản… (chiếm 56%).

Đặc biệt, việc thay đổi quy trình sản xuất, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung, hạn chế nhỏ lẻ của đồng bào dân tộc Bru còn rất khó khăn do những quan niệm sản xuất theo tự nhiên, ít ứng dụng trình độ khoa học kỹ thuật nên việc thay đổi nhận thức này là cực kỳ khó khăn (chiếm 78%).

Do vậy, việc đẩy mạnh nghiên cứu những tư tưởng tín ngưỡng, tôn giáo tiến bộ của người dân tộc Bru – Vân Kiều có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, nâng cao năng suất, tiến tới nâng cao thu nhập, giúp đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lê Thúy 
 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu