Là đô thị trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, tiến trình xây dựng NTM trên địa bàn thành phố Cần Thơ không chỉ thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo xu thế nông nghiệp công nghệ cao mà còn gắn với tiến trình đô thị hóa, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
HTX là nòng cốt
Đáng chú ý, HTX là những chủ thể đóng góp tích cực nhất vào sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Trong đó, có nhiều HTX điển hình ở lĩnh vực phi nông nghiệp và nông nghiệp, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp đã có cách làm hay, thực hiện tốt dịch vụ liên kết tiêu thụ hàng hóa cho nông dân và thành viên, góp phần giữ vững nhịp sản xuất, ổn định hoạt động kinh doanh, khẳng định vai trò “bà đỡ” cho thành viên và nông dân vào HTX.
![]() |
Thành viên HTX Thắng Lợi đang cho cá ăn. (Ảnh: Int) |
Nổi bật nhất có thể kể đến HTX Nông nghiệp thủy sản Thắng Lợi (huyện Vĩnh Thạnh) đã phát huy sức mạnh tập thể, hợp tác cùng nhau nuôi cá tra theo tiêu chuẩn với sản lượng lớn, để cung cấp cho doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, từng bước ổn định thu nhập và cải thiện đời sống cho người nuôi cá tra tại địa phương.
Theo ông Huỳnh Thanh Bình, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thủy sản Thắng Lợi, nghề nuôi cá tra thường gặp rủi ro khi thị trường biến động, đầu ra rất bấp bênh, lại tốn nhiều chi phí sản xuất và phần lớn hộ nuôi buộc phải vay vốn để đầu tư. Để bà con hạn chế rủi ro với nghề nuôi cá, năm 2010, 12 hộ nuôi cá tra ở xã Vĩnh Bình cùng nhau bắt tay hợp tác thành lập HTX nuôi cá tra, với diện tích mặt nước gần 20ha, để tiến tới ký kết hợp đồng, liên kết với các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong và ngoài thành phố.
Đến nay, HTX không chỉ tăng số lượng thành viên lên 44 hộ, mà còn mở rộng quy mô hoạt động, diện tích ao nuôi lên 30ha, năng lực cung ứng từ 6.000-8.000 tấn cá tra/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động trong và ngoài huyện Vĩnh Thạnh với thu nhập bình quân trên 4,5 triệu đồng/tháng.
Chưa kể, HTX còn đàm phán với các doanh nghiệp chế biến thủy sản hợp tác đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp cung cấp thức ăn, thuốc thú y thủy sản, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu cá thương phẩm cho bà con, còn thành viên HTX chỉ cần đầu tư cá giống đạt độ dài đến 10cm và thực hiện công đoạn chăm sóc cá đúng với kích cỡ theo hợp đồng với doanh nghiệp. Nhờ đó, người dân nuôi cá tra không phải đầu tư vốn nhiều, mà vẫn có lãi dù cho thị trường có biến động.
“Bình quân HTX giao cho công ty từ 6.000-7.000 tấn cá/năm, đạt doanh thu từ 150-200 tỉ đồng/vụ nuôi, đem lại thu nhập cho mỗi thành viên trung bình trên 500 triệu đồng/vụ”, ông Bình nói.
Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, điển hình là HTX sản xuất - thương mại Nhất Tâm (quận Ninh Kiều) đã năng động, tìm hướng phát triển sản xuất kinh doanh theo yêu cầu thị trường, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 130 lao động, với mức thu nhập ổn định từ trên 6 triệu đồng/tháng.
HTX Nhất Tâm không chỉ phát triển vùng nuôi thủy sản nước ngọt theo tiêu chuẩn VietGAP, với tổng diện tích mặt nước hơn 3ha, mà còn đầu tư cơ sở chế biến cá nước ngọt và hải sản để phục vụ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Hiện HTX có trên 70 loại thủy hải sản dạng sơ chế và chế biến, như: cá lóc, cá điêu hồng, lươn, ếch, thát lát, cá tra, cá ba sa, các loại ốc, tôm khô, chả cá chiên… với năng lực sản xuất trên 1.600 tấn/năm, đạt tổng doanh thu trên 120 tỉ đồng/năm.
Đến nay, sản phẩm của HTX đã có mặt hầu hết ở các siêu thị như Co.opmart, LOTTE Mart, MM Mega Market và các cửa hàng tiện ích trong và ngoài thành phố. Hơn nữa, HTX còn chế biến cá tra, cá ba sa, cá rô phi đông lạnh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc.
HTX chưa phát triển tương xứng với tiềm năng
Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ cho biết, mặc dù HTX đã có sự chuyển biến tích cực, song phần lớn các HTX chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, bởi chính sách hỗ trợ HTX tuy nhiều nhưng còn chung chung, chưa cụ thể, nên khó áp dụng trong thực tế.
Mặt khác, nội lực trong từng HTX chưa đủ mạnh để tiếp cận nguồn vốn cho vay từ các ngân hàng thương mại; chưa tạo được mối liên kết theo chuỗi giá trị, nên dễ gặp rủi ro khi thị trường có biến động, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, biến đổi khí hậu.
Vì vậy, HTX rất cần “cú hích” từ các chính sách hỗ trợ về vốn, thuế, đất đai, xúc tiến thương mại, cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ.
Theo đó, các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương cần tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý HTX, tổ chức đào tạo nghề cho thành viên các HTX tại các vùng sản xuất chủ lực, đồng thời hỗ trợ tư vấn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương và năng lực nội tại của các HTX.
Bên cạnh đó, hỗ trợ đầu tư cho các HTX, gồm xây dựng cơ sở hạ tầng, vay vốn tín dụng, xúc tiến thương mại, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới. Nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả gắn với sản phẩm chủ lực của thành phố… Từ đó, sẽ tạo điều kiện xây dựng chuỗi cung ứng các ngành hàng này theo chiều sâu, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, an toàn và đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ, tăng giá trị thương hiệu, giá trị gia tăng nhằm đáp ứng mục tiêu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Vị đại diện UBND thành phố cho biết, chính quyền địa phương đã yêu cầu củng cố kiện toàn các HTX hoạt động kém hiệu quả và giải thể các HTX ngừng hoạt động; vận động thành lập mới nhiều HTX, trong đó cần chú trọng chất lượng xây dựng các mô hình HTX hoạt động theo chuỗi tiêu thụ sản phẩm; triển khai các chính sách phù hợp, góp phần hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển ngày càng mạnh mẽ. Từ đó, sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần hình thành các mô hình HTX hoạt động theo chuỗi giá trị, gắn với các sản phẩm chủ lực của thành phố.
"Để có thể là động lực chắc chắn trong công cuộc xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2030, thành phố có 400 HTX với 26.000 thành viên; có từ 3-4 liên hiệp HTX; có 35.000-40.000 lao động làm việc trong khu vực HTX, thu nhập bình quân của thành viên HTX là 120 triệu đồng/năm; có 60% HTX liên kết với nhau và liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị; số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá từ 60-70% trên tổng số HTX đang hoạt động", vị đại diện cho biết.
Nhật Nam