Thực hiện Chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, huyện đã tập trung xây dựng cơ chế chính sách sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng.
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp
Cho đến nay, huyện Hà Quảng đã tận dụng các lợi thế để vận động người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, vật nuôi, từng bước gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm các cây, con mũi nhọn như: chăn nuôi lợn đen, bò u, trồng thuốc lá nguyên liệu, ngô, lạc hàng hóa, gừng trâu… nhằm nâng cao mức thu nhập của người dân.
Bên cạnh đó, khuyến khích các HTX, doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết với người dân trong việc trồng và bao tiêu một số sản phẩm phục vụ cho các cơ sở chế biến như: ngô ngọt, đỗ tương, kiệu, nghệ, cây óc chó…
Xác định kinh tế tập thể là nòng cốt trong Chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, huyện Hà Quảng đã tập trung nguồn lực phát triển tổ hợp tác, HTX. (Ảnh: Int) |
Đại diện UBND huyện Hà Quảng cho biết, huyện đã tập trung phát triển các cây, con mũi nhọn, phù hợp đặc điểm từng địa phương theo công thức ba cây- hai con. Do đó, một số mô hình như trồng thuốc lá chất lượng cao ở Xuân Hòa, Phù Ngọc, Đào Ngạn… được áp dụng các biện pháp kỹ thuật, cho năng suất đạt 24 đến 30 tạ/ha, tăng thêm từ 13 đến 18 triệu đồng/ha, được doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm. Chương trình sản xuất ngô hàng hóa tại xã Nội Thôn; phát triển đàn bò, lợn đen tại xã Thượng Thôn… đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn cách làm truyền thống.
Không chỉ vậy, xác định kinh tế tập thể là nòng cốt trong Chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, huyện đã tập trung nguồn lực phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX).
Hiện, trên địa bàn huyện có 16 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với số vốn điều lệ 27 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 48/2020/NQ-HĐND, ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn, huyện đã hỗ trợ hơn 15,2 tỷ đồng thực hiện 15 dự án liên kết, hỗ trợ giống phân bón cho người dân trồng các cây hàng hóa như: cây ớt, lạc giống, bưởi da xanh, đỗ tương, gừng trâu và một số cây trồng khác.
Nhờ đó, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm trên 41%; duy trì và nâng cao chất lượng 3 xã đạt chuẩn NTM, bình quân toàn huyện đạt 11,68 tiêu chí/xã; có 4 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Ông Lê Bảo Hưng, Giám đốc HTX Chăn nuôi Bảo Hưng, xã Trường Hà (Hà Quảng) chia sẻ: Với sự tư vấn, hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh và chính quyền địa phương, HTX đã có bước đi đúng hướng, lựa chọn lĩnh vực cung ứng giống gà, vịt các loại cho bà con tại địa phương và một số huyện lân cận.
Qua hơn ba năm hoạt động sản xuất kinh doanh, HTX đã linh hoạt đổi mới phương án sản xuất, kinh doanh trong cung ứng vật tư cũng như tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm của HTX sản xuất và cung ứng được thị trường tiêu dùng trong tỉnh và ngoài tỉnh chấp nhận. Mỗi năm, HTX cung ứng ra thị trường từ 2.000 - 5.000 con gà, vịt giống và 100 con vịt siêu trứng, trên 600 con gà thịt. Doanh thu bình quân hằng năm gần 200 triệu đồng, tạo việc làm từ 3 - 5 lao động với thu nhập bình quân trên 4 triệu đồng/người/tháng.
“HTX làm tốt khâu chuyển giao khoa học kỹ thuật, đầu tư trang trại theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, tìm hướng liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện HTX duy trì chăn nuôi hơn 3.000 con gà đẻ trứng, 40 con lợn nái, lợn thịt. Ngày cao điểm HTX thu hơn 700 quả trứng, thu nhập khoảng 700 triệu đồng tiền trứng/năm. Từ việc chăn nuôi ổn định, năm 2022, HTX tiếp tục đầu tư mở rộng chăn nuôi, tăng đàn gà thêm hơn 1.000 con, đồng thời làm tốt khâu tái đàn lợn, đẩy mạnh nuôi lợn thương phẩm cung cấp cho thị trường vào các dịp cao điểm”, ông Hưng cho biết thêm.
Tập trung nâng cao chất lượng
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng - Đàm Văn Độ cho biết: Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND và tổ chức thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển KTTT; triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phát triển KTTT, cơ bản đáp ứng được nhu cầu ngày càng đa dạng của các đơn vị thành viên.
Được biết, trong năm 2022, huyện tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm các mặt hàng chủ lực; xây dựng thương hiệu sản phẩm và củng cố tổ chức lại sản xuất đối với các mặt hàng có tiềm năng phát triển.
Bên cạnh đó, tăng cường phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, hỗ trợ nâng cao năng lực và tài chính thông qua việc vay vốn ưu đãi mua máy móc, thiết bị và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ sản xuất.
Không chỉ vậy, hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời từng bước tăng quy mô sản xuất nông nghiệp, áp dụng cơ giới hóa và hạ tầng kỹ thuật gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…
Ngoài ra, phấn đấu có thêm 2 xã Trường Hà và Quý Quân về đích NTM; xã Ngọc Đào về đích NTM nâng cao; các xã Lương Can, Ngọc Đào, Sóc Hà duy trì giữ vững và nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt; bình quân toàn huyện đạt trên 12,5 tiêu chí/xã.
Bí thư Huyện ủy Hà Quảng Nguyễn Lâm Thị Tú Anh cho biết: Thời gian tới, Đảng bộ huyện tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đổi mới phương thức sản xuất, lựa chọn các cây con chủ lực đưa vào sản xuất gắn với nhu cầu thị trường. Làm tốt khâu định hướng, quy hoạch sản xuất đối với từng vùng, trong đó, vùng đồng trồng cây thuốc lá chất lượng cao và đầu tư các cây có bao tiêu sản phẩm; vùng cao chú trọng nuôi bò u, lợn đen, trồng lạc, gừng, nghệ. Huyện phấn đấu đến năm 2025 hình thành các vùng trồng thuốc lá, lạc, ngô hàng hóa duy trì mỗi cây trồng trên 1.000 ha, cây ngô gần 7.000 ha, gừng trâu 200 ha, đàn trâu trên 15.000 con, đàn bò trên 21.000 con, đàn lợn hơn 105.000 con, đàn gia cầm hơn 400.000 con.
“Việc tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng các cây trồng mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng nhanh giá trị trong sản xuất nông - lâm nghiệp, chăn nuôi, là hướng đi phát triển sản xuất ổn định, từng bước nâng cao đời sống của nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững”, đại diện UBND tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh đến cơ hội trong xây dựng NTM nơi vùng cao biên giới này.
Nhật Nam