![]() |
Ngân hàng chung tay xây dựng NTM |
Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 đến nay cả nước đã có 4.475 xã (chiếm 50,26% số xã) đạt chuẩn NTM, 84 đơn vị cấp huyện thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (chiếm khoảng 12,65% tổng số huyện, thị xã, thành phố của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; bình quân toàn quốc đạt 15,26 tiêu chí/xã và cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí. Trong đó, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng NTM góp phần phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Vai trò vốn tín dụng của ngân hàng
Nổi bật nhất là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chủ động tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách tín dụng dành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Để tổ chức triển khai có hiệu quả chính sách của Chính phủ, NHNN cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đồng thời ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nguồn vốn tín dụng trên địa bàn các xã trong những năm vừa qua đã đạt kết quả đáng khích lệ: Hiện nay, đã có 66 tổ chức tín dụng (TCTD) và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân, nhiều công ty tài chính vi mô, các quỹ và chương trình, dự án tài chính vi mô tham gia cho vay nông nghiệp, nông thôn. Dư nợ cho vay xây dựng NTM tăng trưởng đều qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2018 khoảng 24% (cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn quốc). Tính đến ngày 30/6/2019, dư nợ cho vay trên địa bàn các xã trên toàn quốc đạt 1.147.304 tỷ đồng với gần 10 triệu doanh nghiệp, hộ gia đình, HTX; gấp 5,82 lần so với dư nợ cuối năm 2010. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng chiếm tỷ trọng 48,6% giai đoạn 2010-2015 và ước đạt tỷ trọng trên 50% giai đoạn 2016- 2020 trong tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình, cao hơn so với tỷ lệ đặt ra là 30% tại Quyết định 800/QĐ-TTg và 40% tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg.
Chung tay xây dựng NTM
Trong nhiều địa phương của cả nước có thể kể đến Vĩnh Phúc như một dẫn chứng tiêu biểu. Nếu xét theo nội dung Quyết định số 372/QĐ-TTg thì đến năm 2017, Vĩnh Phúc đã đạt mục tiêu là tỉnh đạt chuẩn NTM, với 85% số huyện (6/7 huyện) đạt chuẩn (cao hơn tiêu chí quy định là 80%). Tính đến 30/9/2019, đã có 95,5% số xã trong toàn tỉnh hoàn thành các tiêu chí NTM. Trong đó, nhiều vấn đề lớn về xây dựng NTM đã được hoàn thành từ nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Tâm cho biết, hiện 31/31 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở thực hiện cho vay chương trình xây dựng NTM, ưu tiên vốn và lãi suất cho vay nông nghiệp, nông thôn với dư nợ 2.251 tỷ đồng. Song đó cũng chỉ là một phần nhỏ của bức tranh tín dụng từ hệ thống các TCTD trên địa bàn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua. Một phần lớn khác đến từ nguồn vốn tín dụng của các TCTD khi triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam triển khai các chương trình tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
![]() |
Vĩnh Phúc đã đạt mục tiêu là tỉnh đạt chuẩn NTM |
Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc và NHNN Việt Nam, ngành ngân hàng Vĩnh Phúc đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng NTM, góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều bản làng, vùng quê nơi đây, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của người dân địa phương.
Giai đoạn từ năm 2012-2014, bình quân tăng trưởng dư nợ lĩnh vực nông thôn mới là 7,82%/năm. Từ năm 2015 đến nay, NHNN Việt Nam mở rộng tiêu chí và đối tượng cho vay NTM, thì bình quân dư nợ tăng trưởng là 17,32%/năm. Kết quả đến 30/6/2019, dư nợ cho vay xây dựng NTM toàn tỉnh đạt gần 16.000 tỷ đồng, với 136.400 khách hàng cá nhân và 122 khách hàng doanh nghiệp vay vốn, trong đó cho vay trồng trọt, chăn nuôi đạt 4.100 tỷ đồng; cho vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn đạt 1.100 tỷ đồng; cho vay thương mại và cung ứng dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn đạt 2.890 tỷ đồng…
Trong đó, Agribank Vĩnh Phúc đã giải ngân được 8.570 tỷ đồng cho gần 21.000 lượt khách hàng còn dư nợ, chủ yếu là cho vay hộ sản xuất kinh doanh đạt 6.374 tỷ đồng (chiếm 67,95% dư nợ cho vay xây dựng NTM của hệ thống); cho vay xây dựng nhà ở đạt 832 tỷ đồng (chiếm 8,87%), còn lại là cho vay các đối tượng khác như: cho vay làm đường nông thôn, xây dựng hệ thống thủy lợi… Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với các phòng, điểm giao dịch ở 137 xã, phường, thị trấn cũng đóng góp một phần không nhỏ giải quyết các nhu cầu vốn thiết yếu cho người dân ở địa bàn nông thôn, dư nợ đạt 2.510 tỷ đồng, với hơn 100.000 khách hàng đang vay vốn trực tiếp giải quyết các tiêu chí NTM như giảm nghèo, tạo việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường, xóa nhà tạm, nhà dột nát...
Qua những kết quả đã đạt được, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng NTM, cùng với nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng NTM; tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương; các tổ chức và cá nhân tại khu vực nông thôn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững; góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Nhật Nam