Nông nghiệp hàng hóa tỉnh Bắc Ninh đang có chuyển biến sâu sắc (Ảnh Tư liệu) |
Giá trị bền vững từ sản xuất an toàn
Được sự trợ lực từ địa phương, HTX nông nghiệp Đức Lân (xã Yên Phụ, huyện Yên Phong) đã chủ động đẩy mạnh sản xuất an toàn, chú trọng khoa học – kỹ thuật gắn với ATLĐ.
HTX Đức Lân ra đời năm 1960, lúc đầu chỉ có 300 thành viên, chuyên sản xuất nông nghiệp với diện tích 98 ha. Năm 2016, Đức Lân chuyển sang hoạt động theo luật mới, với 519 thành viên, 90ha đất canh tác, liên kết sản xuất lúa hàng hoá nếp cái hoa vàng VietGAP với 3 doanh nghiệp tại Bắc Ninh.
Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, HTX tiến hành khảo sát kỹ lưỡng chất lượng nguồn đất, nước, không khí… tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thành viên, nông dân liên kết trong canh tác an toàn.
Về kỹ thuật, HTX có hàng chục cuộc vận động, tập huấn về quy trình sản xuất VietGAP gắn với ATLĐ cho hộ thành viên. Các khóa tập huấn giúp các hộ nắm vững 3 chương, 61 điều quy định của sản xuất VietGAP.
Giám đốc HTX Tô Như Khoa cho biết, vào HTX, các thành viên được tập huấn kỹ thuật, trang bị kiến thức về ATLĐ, giúp quá trình canh tác dễ dàng, hiệu quả hơn. Đơn cử như trong quá trình sản xuất, các hộ được HTX hướng dẫn vận hành máy móc an toàn, hỗ trợ mua đồ bảo hộ như mũ, kính mắt, găng tay…
Theo tìm hiểu, xu hướng hiện nay, nhiều hộ nông dân tự trang bị máy móc nông nghiệp để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, do không biết cách sử dụng, không nắm vững quy trình, không có trang bị phòng hộ an toàn nên người lao động dễ gặp các tai nạn trong quá trình sản xuất như: hạt lúa bắn vào mắt; bị máy cuốn đứt bàn tay; ngộ độc khi tiếp xúc với hóa chất; điện giật; bị ngã, giẫm phải vật nhọn; trật khớp do mang vác không đúng tư thế...
Do đó, dù điều kiện lao động đã được cải thiện đáng kể nhưng nguy cơ xảy ra tai nạn lao động vẫn hiện hữu vì đa phần người dân chưa quan tâm hoặc quan tâm chưa nhiều đến vấn đề an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp.
Để tránh những tai nạn lao động trong quá trình sản xuất, cũng như đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện đại, các thành viên HTX được tập huấn nâng cao trình độ, kỹ thuật, nắm vững quy trình sản xuất an toàn, các quy tắc trong sử dụng trang thiết bị, máy móc mới như máy phun sương, vận hành lưới điện, kỹ năng sử dụng an toàn các loại máy móc nông nghiệp… nhằm đảm bảo ATLĐ.
Sức bật từ các mô hình chuyên canh
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh, những năm qua trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi gắn với ATLĐ, mang lại giá trị kinh tế cao.
Các HTX góp phần định hướng các mô hình đi theo hướng an toàn, hiện đại (Ảnh TL) |
Cũng nhờ đuợc trang bị các kiến thức về ATLĐ mà nhiều HTX trong tỉnh đã thành công trong quá trình phát triển. Điển hình, trong lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh có khoảng hơn 500 vùng sản xuất lúa với quy mô từ 3 ha trở lên như vùng lúa nếp ở thị xã Từ Sơn, các huyện Yên Phong, Tiên Du với năng suất trung bình đạt 53,9 tạ/ha.
Vùng trồng lúa tẻ thơm ở các huyện Quế Võ, Thuận Thành cũng cho năng suất trung bình đạt 62,2 tạ/ha, vùng trồng lúa năng suất cao ở Gia Bình, Lương Tài, năng suất trung bình đạt 66,1 tạ/ha.
Đối với các loại rau màu và hoa, toàn tỉnh có tới 71 vùng chuyên canh quy mô từ 5 ha trở lên, điển hình như vùng trồng cà rốt tại Gia Bình, Lương Tài... 9 vùng sản xuất hoa, cây cảnh với tổng diện tích 180,7 ha tại thị xã Từ Sơn, huyện Tiên Du, huyện Thuận Thành và TP Bắc Ninh.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh Bắc Ninh cũng đã hình thành và ổn định nhiều vùng chăn nuôi quy mô lớn như vùng chăn nuôi lợn tập trung tại các xã Lạc Vệ, Tân Chi, Cảnh Hưng (Tiên Du), Gia Đông, Nghĩa Đạo (Thuận Thành), Tam Giang, Văn Môn, Yên Phụ (Yên Phong)…
Vùng chăn nuôi gia cầm tại xã Hòa Tiến (Yên Phong), Tương Giang, Tân Hồng (Từ Sơn), Lạc Vệ (Tiên Du), Phú Hòa (Lương Tài). Vùng chăn nuôi bò sữa, bò thịt tại Cảnh Hưng (Tiên Du), Đình Tổ, Gia Đông (Thuận Thành)...
Để góp phần thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, nâng cao khoa học – kỹ thuật, ATLĐ, tỉnh đã hình thành 18 HTX dịch vụ chăn nuôi, 26 trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 18 HTX dịch vụ chăn nuôi, 26 trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp. Có tổng cộng 126 trang trại chăn nuôi trong đó: chăn nuôi gia cầm 61 trang trại; chăn nuôi lợn 59 trang trại, còn lại là trang trại chăn nuôi khác.
Việc hình thành các vùng chuyên canh nông nghiệp theo hướng hàng hóa giúp thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh Bắc Ninh năm 2019 đạt 64,2 triệu đồng/người/năm.
Rõ ràng, trong quá trình phát triển và gặt hái thành công trong nông nghiệp hàng hóa tại Bắc Ninh, các HTX, tổ hợp tác đang cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vâỵ, thiết nghĩ trong thời gia tới, khu vực kinh tế hợp tác cần được đầu tư mạnh hơn nhằm mở hướng phát triển an toàn, bền vững cho nông dân.
Hưng Nguyên