Mô hình nuôi dê an toàn đang có nhiều tiềm năng phát triển ở hai huyện Yên Thế, Tân Yên (Ảnh Tư liệu) |
Với điều kiện địa hình, khí hậu thuận lợi, mô hình nuôi dê xuất hiện tại Yên Thế và Tân Yên từ nhiều thập kỷ trước, nhưng phải đến những năm 2010 trở về sau này, các mô hình nuôi dê mới bắt đầu được đầu tư mạnh mẽ, gia tăng hàm lượng kỹ thuật. Đặc biệt, từ năm 2012, chính quyền bắt đầu chú trọng nhân rộng mô hình chăn nuôi dê an toàn, tạo điều kiện, khuyến khích người dân mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi… theo hướng trang trại tập trung gắn với an toàn lao động (ATLĐ) và khoa học – kỹ thuật.
Thay đổi nhờ nuôi dê
Năm 2016, sau nhiều năm vật lộn với đủ mô hình nuôi lợn, gà, bò, đồi trồng rau, cấy lúa… anh Hoàng Văn Mạnh (thôn Đá Ong, xã Lan Giới, huyện Tân Yên) quyết định đầu tư cải tạo chuồng trại để phát triển mô hình nuôi dê vỗ béo.
Nhờ tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng về quy trình, kỹ thuật nuôi, sự tư vấn của địa phương bạn bè, mô hình nuôi dê của anh Mạnh nhanh chóng cho hiệu quả. Hiện, bình quân mỗi lứa trang trại của anh vỗ béo từ 150 đến 170 con dê đực, trọng lượng 15 – 20 kg/con.
Anh Mạnh chia sẻ: “Nếu nắm chắc kỹ thuật, sau 3 tháng vỗ béo, dê tăng thêm 20-25 kg (đạt trọng lượng 40 – 50 kg/con) thì xuất bán cho các thương lái. Nhờ đàn dê phát triển ổn định, sau khi trừ chi phí con giống, thức ăn, thuốc thú y, mỗi năm gia đình tôi thu về 400 - 500 triệu đồng”.
Thành công của hàng loạt điểm sáng đang giúp mô hình nuôi dê tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn huyện Tân Yên. Đến nay, toàn huyện đang có hàng chục mô hình nuôi dê theo hướng hàng hóa gắn với ATLĐ. Trung bình mỗi hộ nuôi 20 – 50 con dê, điển hình có những hộ nuôi 200 – 400 con.
Thương hiệu dê núi Hồng Kỳ đang ngày càng nổi tiếng (Ảnh TL) |
Lan tỏa thương hiệu "Dê Yên Thế"
Cùng với Tân Yên, huyện Yên Thế cũng đang phát triển mạnh mô hình chăn nuôi dê an toàn. Đặc biệt, thương hiệu dê núi Hồng Kỳ của huyện đang nổi tiếng khắp miền gần xa gắn với tên tuổi của HTX dê và ong mật Hồng Kỳ.
Ông Nông Trần Hiên – Giám đốc HTX cho hay năm 2016, xã Hồng Kỳ đã thành lập câu lạc bộ nuôi dê, thu hút hơn 50 thành viên tham gia, duy trì tổng đàn dê khoảng 1.300 con, cho thu nhập mỗi năm khoảng 7 tỷ đồng, trừ chi phí, thành viên câu lạc bộ thu lãi khoảng 2 - 3 tỷ đồng.
Sau hơn 3 năm phát triển, với mục tiêu nâng tầm thương hiệu dê Hồng Kỳ, tháng 7/2019, HTX dê và ong mật Hồng Kỳ được thành lập theo Luật HTX năm 2012 trên tinh thần tự nguyện, hợp tác cùng phát triển với 9 thành viên ban đầu và 32 hộ liên kết.
Sau khi thành lập, HTX đẩy mạnh chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hoàn thiện quy trình sản xuất, đồng thời đẩy mạnh kết nối thị trường cho người chăn nuôi tại địa phương.
Kết quả, dê núi Hồng Kỳ hiện đã đến được các thị trường có nhu cầu tiêu thụ thịt dê lớn như Ninh Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội… với giá bán ổn định.
Sự thành lập của HTX dựa trên “Đề án nâng cao chất lượng đàn dê thương phẩm giai đoạn 2019 - 2020” được huyện Yên Thế phê duyệt hồi đầu năm 2019, chủ trương chú trọng quy hoạch vùng chăn nuôi dê để mở rộng quy mô tổng đàn, phát triển theo hướng sạch, an toàn, hướng tới xây dựng nhãn hiệu “dê Yên Thế”.
Có thể thấy trong thời gian qua, mô hình nuôi dê an toàn đang được ngành nông nghiệp hai huyện Yên Thế, Tân Yên quan tâm thúc đẩy. Để đảm bảo hiệu quả bền vững, các địa phương cần tiếp tục nhân rộng mô hình, đẩy mạnh nâng cao trình độ, kỹ thuật, kiến thức về ATLĐ, đồng thời kết nối để mở rộng thị trường tiêu thụ cho các hộ chăn nuôi.
Hưng Nguyên