![]() |
NTM huyện Trà Ôn đang khởi sắc nhờ 3 khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh Tư liệu) |
3 khâu đột phá
Sau gần 1 thập kỷ xây dựng NTM, diện mạo nông thôn huyện Trà Ôn đang có những chuyển biến tích cực. Năm 2019, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng 2,79%; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng định hướng, trồng trọt chiếm 57,35%, chăn nuôi 34,41% và dịch vụ nông nghiệp chiếm 8,24%.
Điểm sáng kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện trong thời gian qua còn ghi nhận ở cây lúa. Cơ quan chức năng, HTX, doanh nghiệp và người trồng lúa địa phương đã xúc tiến ký kết bao tiêu sản phẩm cho 200 ha lúa với sản lượng 1.300 tấn tại xã Thiện Mỹ và Xuân Hiệp.
Về công tác giảm nghèo, kế hoạch năm 2019 của huyện đặt chỉ tiêu giảm 1,48% tỉ lệ hộ nghèo. Kết quả, huyện đã hoàn thành chỉ tiêu với trên 550 hộ thoát nghèo, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 3,4% (1.272 hộ).
Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi không ngừng được các cấp đầu tư triển khai thực hiện trong các năm qua. Tính đến đầu tháng 2/2020, toàn huyện có 6 xã đạt chuẩn NTM. Huyện phấn đấu có thêm từ 2 - 3 xã về đích NTM trong năm 2020.
Đại diện UBND huyện Trà Ôn cho hay để có được những thành công trong xây dựng NTM những năm qua, huyện đã thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, trong đó có 3 khâu đột phá nhằm tạo chuyển biến sâu trong kinh tế - xã hội.
Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông gắn với thủy lợi; thứ hai, thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo - nhất là giảm nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer; thứ ba, xúc tiến tìm hướng liên kết tiêu thụ hàng hóa, hình thành vùng sản xuất tập trung.
![]() |
Hiệu quả của các HTX góp phần thúc đẩy NTM của huyện (Ảnh TL) |
Dấu ấn kinh tế hợp tác
Trong tiến trình xây dựng NTM, các HTX trên địa bàn huyện Trà Ôn đang khẳng định dấu ấn với vai trò thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, nâng cao thu nhập cho nông dân, tạo thêm hàng trăm việc làm.
Trong hàng loạt những cái tên điển hình, HTX Nông nghiệp Hồi Tường (xã Xuân Hiệp) đang nổi lên như một “lá cờ đầu” của phong trào phát triển kinh tế hợp tác của huyện.
Ông Nguyễn Văn Bé Bảy – Giám đốc HTX, chia sẻ: “HTX thành lập cuối năm 2011, sản xuất lúa hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, lúa giống xác nhận, dịch vụ cày xới, thu hoạch lúa”.
HTX đang có trên 100 ha đất sản xuất với 135 thành viên. Hiện, HTX đang tổ chức lịch xuống giống, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, gắn kết các doanh nghiệp bao tiêu lúa hàng hóa của thành viên.
Tương tự, sau 3 năm đi vào hoạt động, sức sáng tạo trong sản xuất đang giúp HTX Nông nghiệp cam sành Organics Trà Ôn phát triển vững mạnh, trở thành điểm tựa phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu của các thành viên.
Đến nay, HTX đã hình thành 2 vùng nguyên liệu cam sành ở huyện Trà Ôn với tổng diện tích gần 55 ha; 100% diện tích có hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, đảm bảo thị trường ổn định với giá bán cao.
Cũng có thể kể đến HTX Cam sành Phú Nông (ấp Tường Nghĩa, xã Thới Hòa). Thành lập năm 2017, đến nay, HTX có 18 thành viên với tổng diện tích canh tác 60,4 ha.
HTX đang có 20,5 ha trồng cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP. Lợi nhuận của các thành viên đạt từ 20 - 30 triệu đồng/công. Không chỉ vậy, HTX đang giải quyết việc làm cho khoảng 30 người, góp phần tạo thêm việc làm mới cho lao động địa phương.
Hiệu quả của khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang trở thành bàn đạp để huyện Trà Ôn tạo nên những đột phá mới trong phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng tới mục tiêu NTM bền vững.
Hưng Nguyên