Theo chia sẻ của đại diện HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa, tính đến tháng 5/2023, HTX mở rộng sản xuất thêm 19ha rau hợp chuẩn VietGAP.
Cùng HTX trồng rau hợp chuẩn VietGAP
Được chính quyền địa phương quan tâm triển khai nhiều hoạt động cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, đường..., HTX Thuận Nghĩa đã vận động bà con tham gia các lớp tập huấn, tạo mọi điều kiện tốt nhất để người dân sản xuất, có lợi nhuận kinh tế ổn định. Mỗi năm, HTX cung ứng khoảng 70 - 80 tấn rau cho các siêu thị lớn nhỏ trong tỉnh.
![]() |
HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa đang mở rộng diện tích trồng rau hợp chuẩn VietGAP. |
Thời gian qua, để phục vụ sản xuất, gắn với xây dựng đô thị văn minh, HTX Thuận Nghĩa đã ưu tiên phát triển hệ thống đường giao thông nội đồng. Đến nay, HTX đã làm được 500m đường bê tông nội đồng (rộng 2m) ở khu vực trung tâm cánh đồng rau hợp chuẩn VietGAP.
Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX Thuận Nghĩa cho biết, sắp tới, HTX sẽ vận động bà con hiến đất để làm thêm 1.500m đường bê tông nội đồng nữa, để vừa giúp người trồng rau có thêm điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, vừa tạo cơ hội mở rộng hoạt động du lịch trải nghiệm tại các vùng rau hợp chuẩn VietGAP ở làng rau Thuận Nghĩa (nằm cách Thành phố Quy Nhơn gần 43km về phía Tây Bắc).
HTX hiện có nhà máy sơ chế rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP do Dự án Rau an toàn Bình Định hỗ trợ xây dựng, gồm 1 máy ly tâm, hệ thống rửa rau sạch, 1 máy sục khí ozon và hệ thống kho lạnh. Mỗi ngày, nhà máy sơ chế từ 500 - 700kg rau với 4 công nhân trực tiếp vận hành.
Với sự hỗ trợ từ Dự án Rau an toàn Bình Định của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, thời gian qua, HTX Thuận Nghĩa đã chú trọng vào phát triển các giống rau mới như súp lơ, cải thìa, cải bó xôi, xà lách cuộn giòn, dưa leo chịu nhiệt…, từ đó vừa giúp tăng năng suất, vừa góp phần làm đa dạng danh mục rau, quả.
Năm 2022 vừa qua, HTX Thuận Nghĩa phối hợp với Dự án Rau an toàn Bình Định xuống giống thí điểm các giống rau mới kết hợp với hệ thống tưới tiên tiến và tiết kiệm.
Tăng năng suất, thu nhập tốt
Bên cạnh đó, từ chiếc máy xới đất đầu tiên do Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đưa về để hỗ trợ HTX trồng rau, người trồng rau làng rau Thuận Nghĩa đến nay đã tự mua thêm 10 chiếc máy xới đất.
Ông Trần Tế Thế, Phó Giám đốc HTX Thuận Nghĩa cho biết: Chiếc máy xới đất đầu tiên của Nhà nước hỗ trợ, HTX giao cho ông Quách Văn Thẩm - thành viên của nhóm cùng sở thích trồng rau an toàn VietGAP số 3 - hoạt động rất hiệu quả. Qua đó, đã thuyết phục được bà con làng rau Thuận Nghĩa tích cực đầu tư mua máy.
![]() |
Du khách nước ngoài tham quan làng rau Thuận Nghĩa. |
Còn theo chia sẻ của ông Đặng Văn Hòa, thành viên nhóm cùng sở thích trồng rau an toàn VietGAP: "Tôi mua một chiếc máy xới đất của Nhật Bản giá 16 triệu đồng. Với chiếc máy này, tôi có thể làm đất trên các mảnh vườn nhỏ, góc rẻo nơi mà máy cày cỡ lớn không thể vào được, hoặc làm mất nhiều thời gian, chi phí cao. Làm bằng máy năng suất tăng gấp 5 lần so với làm bằng tay trước đây, hiệu quả kinh tế thấy rõ".
Ở làng rau Thuận Nghĩa (thuộc thị trấn Phú Phong) hiện có 224 hộ dân tham gia trồng rau với tổng diện tích 38,5 ha. Trong đó có 9 nhóm cùng sở thích trồng rau với 224 hộ với trên 19,5 ha đã được chứng nhận hợp chuẩn VietGAP.
Gần 10 năm canh tác rau theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân Thuận Nghĩa đã thuần thục và nhận thức tốt vấn đề an toàn thực phẩm, an toàn sản xuất, bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất rau. Các nhóm trưởng đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối sản xuất.
Từ sự chịu khó, một nắng hai sương của người nông dân đã đưa làng rau Thuận Nghĩa trở thành nơi cung cấp rau sạch lớn và uy tín bậc nhất tại thị trường Bình Định và các miền Trung - Tây Nguyên.
Bình quân mỗi ngày, sản lượng tiêu thụ của làng rau đạt từ 4 - 5 tấn. Với giá bán ổn định, người trồng rau nơi đây thu lãi hơn 3 triệu đồng/vụ/sào (500m2). Còn khi vào vụ rau Tết, thu nhập của bà con tăng gấp nhiều lần trên cùng đơn vị diện tích.
Nhất là nhờ vào “bà đỡ” là HTX nông nghiệp Thuận Nghĩa đã góp phần giúp cho làng rau VietGAP này không chỉ là vùng sản xuất rau sạch nổi tiếng mà còn đang dần trở thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn của huyện Tây Sơn. Làng rau đã được chọn xây dựng thí điểm mô hình sản phẩm du lịch nông nghiệp đầu tiên trong tỉnh Bình Định nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Tạo ra lợi thế lớn cho du lịch nông nghiệp
Theo ông Trần Tế Thế, sắp tới HTX sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng hóa giống cây trồng, làm thêm hệ thống đường nội đồng bài bản để có thể tham gia phục vụ du khách có nhu cầu trải nghiệm thực tế sản xuất ở làng rau. Thuận Nghĩa sẽ vừa là làng rau, vừa là một điểm đến mới lạ, hấp dẫn với du khách.
![]() |
Nhờ “bà đỡ” HTX đã góp phần tạo ra lợi thế lớn cho làng rau Thuận Nghĩa làm du lịch nông nghiệp, tạo sinh kế bền vững cho nông dân địa phương. |
Thời gian qua đã có nhiều đoàn tham quan, trải nghiệm tại làng rau Thuận Nghĩa - vùng đất nằm cạnh con sông Côn nên có khí hậu mát mẻ, trong lành.
Các đoàn tham quan đã được giới thiệu, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc, thực hành tại vườn rau. Khách tham quan đã cùng thu hoạch rau với nhà vườn và tham gia sơ chế tại nhà sơ chế rau an toàn, được nhận các rau quả đã thu hoạch sau khi kết thúc chương trình tham quan, trải nghiệm.
Bà Nguyễn Thị Dung, thành viên nhóm cùng sở thích trồng rau VietGAP Thuận Nghĩa cho biết: "Gia đình tôi chỉ có 2 sào đất trồng rau nhưng do vị trí đẹp - sát bờ sông Côn, cảnh quan sinh động, nên ngoài cung cấp rau sạch ra thị trường, mấy năm nay vườn rau còn được HTX Thuận Nghĩa chọn làm điểm tham quan, trải nghiệm thường xuyên cho du khách".
Ở Bình Định không còn nhiều làng quê còn giữ được nét đẹp mộc mạc, bình yên và êm đềm như làng rau Thuận Nghĩa. Không chỉ là nhà cổ, vườn xinh; không chỉ là vị trí giàu tính địa lợi ven sông Côn, giá trị của làng quê này còn thuộc về nét văn hóa, tập tính sinh hoạt gắn kết của cộng đồng dân cư.
Làng rau Thuận Nghĩa có cảnh quan xinh đẹp yên bình, lại là một trong số những địa phương sớm sản xuất rau an toàn VietGAP nên tư duy thân thiện với môi trường tạo ra lợi thế lớn khi tính đến chuyện làm du lịch vườn.
Như chia sẻ của ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTX Thuận Nghĩa, đây sẽ là cuộc đổi thay lớn thứ hai trên quê hương ông. Lần thứ nhất đó là sự thay đổi trong sản xuất khi nông dân Thuận Nghĩa chuyển từ sản xuất rau truyền thống sang sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Lần này là gắn kết đời sống kinh tế, sinh hoạt cộng đồng với du lịch để mang lại những điều tốt đẹp cho Thuận Nghĩa.
Thanh Loan