Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, tính đến tháng 1/2015, cả nước hiện có khoảng 3.000 làng nghề, trong đó có 1.784 làng nghề truyền thống được công nhận theo Tiêu chí làng nghề của Chính phủ. Các làng nghề giải quyết việc làm cho 10 - 11 triệu lao động thường xuyên và không thường xuyên.
Gánh nặng quản lý, chi phí
Có một thực tế, là cùng với những lợi ích kinh tế, sự gia tăng số lượng làng nghề cũng "tỷ lệ thuận" với sự gia tăng ô nhiễm môi trường. Hầu hết các làng nghề đều phát sinh các yếu tố gây ô nhiễm môi trường, gây ra các bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng sức khỏe, mất an toàn lao động (ATLĐ).
Thống kê cho thấy hơn 90% người lao động nông nghiệp và làng nghề tiếp xúc các yếu tố nóng, bụi là 65,89%, tiếng ồn: 48,8%, hóa chất: 59,5%... Đối với TNLĐ và bệnh
tật, những nguy cơ gây bỏng, đứt tay chân, điện giật, bệnh hô hấp, bệnh ngoài da, tiêu hóa, phụ khoa luôn chiếm tỷ lệ cao. Cụ thể, hơn 50% số người lao động tại các làng nghề bị nhiễm bệnh liên quan đến hô hấp.
Bất cập trong quản lý chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thực trạng này xảy ra. Vì vậy, tại buổi tọa đàm "Làng nghề Việt Nam: Truyền thống, thực trạng và giải pháp phát triển trong thời kỳ hội nhập", Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến đề nghị: "Việc công nhận làng nghề phải bám sát các điều kiện về BVMT, ATVSLĐ đối với nhân công. Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng khung pháp lý và chế tài thật nặng đối với các cơ sở vi phạm".
![]() |
Xã hội hóa là giải pháp hữu hiệu nhất giải quyết môi trường làng nghề
Ngoài những bất cập trong quản lý, gánh nặng chi phí cũng là một khó khăn lớn. Sở Công Thương Hà Nội vừa đưa ra kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn Hà Nộị với khoản kinh phí 1.350 tỷ đồng.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, thành phố cần 750 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 50 làng nghề trọng điểm. Giai đoạn 2020 - 2030, cần 600 tỷ đồng triển khai xây dựng hệ thống xử lý môi trường tại 30 làng nghề khác. Từ đây có thể thấy kinh phí để BVMT làng nghề tại Hà Nội và cả nước là không nhỏ.
Xã hội hóa là lối thoát
Ông Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch UBND Tp.Hà Nội, cho biết: "Vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, khu dân cư đang rất nan giải và ngày càng phức tạp. Thành phố rất quan tâm đến vấn đề này, nhưng để giải quyết được còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực và nguồn ngân sách hết sức hạn hẹp. Vì vậy, Tp.Hà Nội đang tích cực kêu gọi, tạo mọi điều kiện khuyến khích XHH đầu tư vào lĩnh vực BVMT".
Viện Địa lý Nhân văn cũng đã đưa ra một số giải pháp thúc đẩy Chương trình XHH BVMT trong các làng nghề, tập trung vào 5 giải pháp chính, như: thiết lập cơ sở pháp lý cho vấn đề XHH; xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết BVMT; phát triển phong trào quần chúng tham gia BVMT; xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình XHH đối với từng làng nghề; xây dựng và hoàn thiện cơ chế huy động cộng đồng đóng góp nguồn lực.
Trong đó, vai trò của quần chúng và DN, nhà đầu tư là quan trọng nhất. DN, nhà đầu tư nên tích cực tham gia BVMT, dù đây là lĩnh vực mới, nhiều rủi ro, nhưng BVMT là trách nhiệm chung và cũng đem lại lợi ích về lâu dài cho bản thân DN, nhà đầu tư.
Về phía cộng đồng: ý thức, trách nhiệm và đóng góp của người dân chính là giải pháp hữu hiệu nhất hiện tại. Sản xuất sạch hơn, tích cực đầu tư cải tiến kỹ thuật, cải thiện môi trường làm việc, không vi phạm những tiêu chuẩn vệ sinh môi trường… Sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý, DN và người dân sẽ là "lời giải" nhanh nhất cho "bài toán" môi trường làng nghề.
Văn Hiến