Bên ấm chè xanh chát đậm, chị Nguyễn Thị Anh, vợ Thương binh Tiến kể: cứ mỗi sáng sớm dậy ra vườn thấy cây cối phát triển xanh tươi, có nguồn thu nhập lại càng đam mê hơn. Thế nhưng, những lúc trái gió trở trời, cây bị sâu bệnh, cả đêm đó vợ chồng không sao ngủ được.
“Tâm hồn anh là cả vườn hoa lá”
Trong vườn còn có cả một hệ thống đài khí tượng thủy văn, chị Anh giải thích: Làm vườn cũng phải nắm bắt chuyển biến của thời tiết. Cơn bão số 7 năm 2015 bất ngờ ập đến, trở tay không kịp, toàn bộ cây cối, tài sản trong vườn bị thiệt hại nặng. Có những năm, hạn hán kéo dài phải đầu tư cả ngàn mét dây dẫn nước cứu cây. Vì thế nên anh chị đã bỏ ra 150 triệu đồng để xây dựng hệ thống dự báo thời tiết này.
Với tác phong của người lính “Cụ Hồ” giản dị, chân chất, miệng nói tay làm, anh Tiến giới thiệu từng khu vườn một, tất cả đều được quy hoạch, thiết kế bài bản, lối vào đại bản doanh được trồng nhiều loài hoa, cây cảnh hòa quyện màu xanh bát ngát hương đưa.
Dừng lại ở khu vườn ươm các loại cây giống, anh Tiến khoe, hiện tại cây giống của anh có mặt khắp nơi trên địa bàn toàn tỉnh và xuất bán ra các tỉnh khác như Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình… 100% nông dân làm vườn ở xã Hương Thọ, Vũ Quang chuyên mua giống cây ăn quả vườn nhà anh.
Chị Anh cho biết giống cây vườn nhà sản xuất ra ít sâu bệnh, phát triển nhanh, cho năng suất cao nên hút khách nhờ ứng dụng các quy trình khoa học kỹ thuật công nghệ cao như hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel….
Ngoài ươm các loại cây giống có múi vườn, gia đình anh Tiến còn trồng trên 300 gốc cam chanh, cả vườn cây gió trầm với đàn hươu sao lấy lộc cho thu nhập tiền tỷ/năm.
Năm 1989, sau khi rời quân ngũ trở về quê mang trên mình vết thương trận mạc với hai bàn tay trắng, anh phải “cắp nón” tần tảo làm thuê. Trong anh luôn tự hỏi, là người lính, kẻ thù nào cũng đánh thắng mà sao không thắng được cái đói, cái nghèo.
Câu hỏi ấy cứ day dứt và dần thành động lực giúp anh tạo cú hích để làm kinh tế, bắt sỏi đá phải thành cơm. Sau khi vay mượn được một ít tiền, anh tích tụ ruộng đất bằng cách gom từng mảnh vườn bỏ hoang xung quanh nhà mình, mở rộng diện tích, đồng thời xóa bỏ vườn tạp, quy hoạch lại khuôn viên từ 2 ngàn m2 lên 20 ngàn m2 và anh đã có được khu vườn rộng lớn như hôm nay.
Chuyện về ngày đầu nhập cuộc
Anh Tiến tâm sự thành công hôm nay là nhờ có phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư Nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, vườn mẫu, được lãnh đạo các cấp, nhất là Ban chỉ đạo NTM từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã quan tâm giúp đỡ về mọi mặt như chuyển giao KHKT công nghệ cao, có các chính sách khuyến khích.
Bên cạnh sự quyết tâm nội lực, tự tìm hiểu kỹ thuật ươm, trồng, chăm sóc, cấy ghép, tạo giống cây S1 đầu dòng… từng bước mở rộng quy mô, không ngừng tìm kiếm, học hỏi từ những mô hình đi trước, tham dự các lớp học tập huấn kỹ thuật về ươm cây, chăm sóc cây, ghép cây đến cả việc phòng trừ sâu bệnh hại cây.
Khi học được rồi thì về chia sẻ với vợ con, với công nhân, với xóm làng để cùng nhau phát triển. Nhờ phát triển thành công mô hình vườn nhà, anh đã tạo công ăn việc làm cho gần chục lao động thời vụ và lao động chuyên nghiệp với mức lương thu nhập từ 4 triệu đồng/người/tháng. Chuyện trò với anh Tiến tôi cứ ngỡ như đang ngồi trước một nhà khoa học nông nghiệp.
Giữa lúc cả nước đang tưng bừng kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hà Tĩnh được chọn làm điểm tổ chức Hội nghị NTM toàn quốc, bao gồm 63 tỉnh, thành phố với các đoàn khách quốc tế về tham dự.
Thương binh Đinh Phúc Tiến được đứng lên bục danh dự nhận giải A của cuộc thi về vườn mẫu. Ghi nhận, đánh giá về thành công của Thương binh Đinh Phúc Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Phó Trưởng ban chỉ đạo NTM tỉnh Đặng Ngọc Sơn phát biểu cho rằng mô hình kinh tế vườn mẫu của gia đình Thương binh Đinh Phúc Tiến xứng đáng được nhận giải A trong cuộc thi Khu dân cư NTM kiểu mẫu, Vườn mẫu, là tấm gương sáng tiêu biểu cho các mô hình đạt chuẩn trên toàn tỉnh để các tổ chức, cá nhân đến tham quan học hỏi.
Anh Bình