Với hơn 700ha trồng chè Shan tuyết, sản lượng chè búp tươi đạt trên 2,3 nghìn tấn/năm, xã Thông Nguyên quyết định chọn cây chè là sản phẩm đặc trưng của địa phương nhằm thúc đẩy sản xuất an toàn, tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.
Để dẫn dắt người dân sản xuất an toàn, nâng cao sức cạnh tranh, HTX chè Phìn Hồ được thành lập. Sau gần 10 năm hoạt động, thương hiệu Fìn Hồ Trà ngày càng được khẳng định, doanh thu của HTX hiện đạt 15 tỷ đồng/năm. Đời sống của người dân vùng chè được nâng lên, thu nhập của người lao động HTX đạt 5 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ về kinh tế, điểm đặc biệt của HTX còn đến từ phương thức sản xuất hữu cơ, không sử dụng phân bón hóa học, thực hiện phòng trừ dịch hại bằng thiên địch, thuốc trừ sâu vi sinh, mang lại sự an toàn tuyệt đối cho sản phẩm, đảm bảo an toàn lao động cho thành viên, người lao động và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Văn Chung, Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên, chia sẻ: “Việc lựa chọn chè Shan tuyết là sản phẩm chủ lực, với sự dẫn dắt của HTX Phìn Hồ trong thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân ổn định sản xuất, phát triển sản xuất an toàn, nâng cao thu nhập và tránh được tình trạng được mùa mất giá”.
Hoàng Su Phì đang đẩy mạnh xây dựng OCOP với điểm tựa từ các HTX, THT nông nghiệp |
HTX thương mại, dịch vụ và chế biến nông, lâm sản Hoàng Su Phì (xã Tân Tiến) cũng đang là điển hình trong thực hiện OCOP trên địa bàn huyện. Thành lập từ tháng 12/2013, gồm 20 thành viên chính thức, HTX đã xây dựng các nhãn hiệu bảo hộ độc quyền cho từng sản phẩm thế mạnh của địa phương như củ cải sấy khô, mật ong hốc, chè Shan Tuyết…
Nhờ sản xuất an toàn, hiệu quả, từ năm 2014 đến nay, bình quân mỗi năm, HTX chế biến được 300 - 400 tấn củ cải tươi, sản lượng củ cải khô (đã qua chế biến) đạt 15 - 20 tấn. Mỗi năm, HTX cũng sản xuất trên 10.000 bịch nấm bào ngư, các sản phẩm được bao tiêu, với giá bán 50.000 đồng/kg.
Ông Hoàng Hải Lý – Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì cho biết: “Để triển khai chương trình OCOP, giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030, huyện Hoàng Su Phì thống nhất chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động xây dựng sản phẩm đặc trưng, đảm bảo 2 tiêu chí: lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và sản phẩm phải có tính bền vững”.
“Vai trò của HTX, THT có vai trò đặc biệt quan trọng việc phát triển các sản phẩm chủ lực, mang tính đặc trưng, có lợi thế cạnh tranh, điển hình như: thảo quả xã Túng Sán, chè cao cấp xã Thông Nguyên, Mận máu xã Chiến Phố, quẩy tấu xã Thèn Chu Phìn, dược liệu Nậm Ty, lê xã Thàng Tín, mật ong xã Nam Sơn…”, ông Lý nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lý, OCOP không chỉ hướng đến lợi ích về kinh tế, mà còn nhằm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân đến phương thức sản xuất an toàn, đảm bảo an toàn lao động. Vì vậy, huyện sẽ tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ từ hỗ trợ đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nhân lực, đến đẩy mạnh sản xuất, xúc tiến thương mại, hướng đến sự phát triển bền vững, lâu dài.
Trọng Đại