HTX Mường Động được thành lập năm 2006, đến nay đã có 26 thành viên tham gia sản xuất với tổng diện tích 110 ha và hơn mười cây giống các loại. Trong đó, 85ha trồng cam đạt tiêu chuẩn VietGAP và 3,2 ha được chứng nhận sở hữu sản xuất. Đến nay, sản phẩm của HTX được cấp chứng chỉ đủ điều kiện, xác định rõ ràng nguồn gốc xuất xứ thông qua QR code.
Cam chuẩn VietGAP, không lo đầu ra
Giám đốc HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động Nguyễn Trung Huân nhớ lại, trước đây, đầu mỗi vụ thu hoạch, giá cam luôn là nỗi lo trực tiếp đối với bà con trồng cam ở xã Tú Sơn. Hơn nữa, do diện tích sản xuất và sản lượng cam liên tục tăng, nên việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, bên cạnh đó nhu cầu về đảm bảo an toàn thực phẩm ngày càng cao, đòi hỏi người sản xuất phải thay đổi tư duy, liên kết để gia tăng nguồn lực.
![]() |
Thương hiệu “Cam Mường Động” đang ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường. |
Có lẽ nỗi lo của anh Huân cũng là nỗi lo chung của hàng trăm hộ trồng cam ở Tú Sơn phải đối mặt. Vì thế, HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động được ra đời với sự quy tụ của những nhà vườn tâm huyết, cùng một mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng uy tín nông sản tỉnh Hòa Bình đã phần nào giải tỏa được nỗi lo đó của bà con và các thành viên.
Với việc tổ chức sản xuất khoa học, bài bản, đến nay, HTX đã bố trí cân đối được diện tích trồng các loại cây có múi, đa dạng chủng loại giống đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng và kéo dài thời gian thu hoạch. Đặc biệt, một số loại quả có tiềm năng xuất khẩu như cam Marrs (cam BH), cam C36, chanh không hạt,... Hiện, HTX có khả năng cung cấp sản phẩm quả tươi từ 8-9 tháng trong năm (từ tháng 8 tới tháng 3 năm sau).
Bởi vậy, cho dù sản lượng cam tăng theo cấp số nhân từng năm nhưng do đã đảm bảo đầu ra nên nhiều nhà vườn tại HTX Mường Động vẫn... "ung dung thu tiền tỷ".
Anh Bùi Công Biên ở xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, một trong những thành viên năng nổ của HTX đang trồng 4ha cam. Những năm qua, sản lượng vườn cam của gia đình không ngừng tăng, nhưng anh vẫn bán được giá và yên tâm đầu tư, sản xuất.
Anh Biên kể: “Năm 2020, giá cam từ 20.000-25.000 đồng/kg tại vườn, thời điểm cuối năm gia đình tôi không có đủ cam để bán. Năm nay, dù ảnh hưởng của Covid -19 nhưng nhiều khách, thương lái vẫn xuống tận vườn của gia đình để đặt hàng trước. Có lẽ, bán được như vậy cũng là nhờ gia đình chuyển sang trồng cam theo quy trình VietGAP”.
Tương tự, gia đình anh Đào Quang Trung- thành viên HTX, là một trong những hộ sớm trồng cam tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, gia đình anh có hơn 5ha cam, chủ yếu là cam V2, lòng vàng và cam Canh…
Năm 2019, khi quy hoạch diện tích cam đạt chuẩn VietGAP, anh Trung đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua các trang thiết bị cơ giới như máy cày, máy chở phân, máy cuốc… Đặc biệt, anh không ngại bỏ chi phí lắp đặt hệ thống phun tưới trên cao cho vườn cam.
Theo đó, anh Trung đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng phân bón hữu cơ để bón cho cây, đèn sinh học bẫy côn trùng gây hại. Cùng với kinh nghiệm thâm canh nhiều năm, hiện năng suất, chất lượng cam của gia đình tăng hơn những năm trước. Sản phẩm cam quả bán ra thị trường bảo đảm an toàn cho khách hàng. Theo tính toán của anh Trung, năm nay tổng doanh thu của gia đình đạt trên 600 triệu đồng/năm, tăng hơn 100 triệu đồng so với thời điểm năm 2016.
Kiên trì làm thương hiệu sạch
Được biết, trồng cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP vất vả và phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu vườn trại cho đến thu hoạch. Tuy nhiên, vì muốn phát triển thương hiệu cam Mường Động bền vững, những năm qua, Ban giám đốc cùng các thành viên HTX đã kiên trì làm đến cùng.
![]() |
Cam kết theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi mới, hiệu quả vượt trội mà các nhà vườn của HTX đang thực hiện. |
Hướng tới phát triển bền vững, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường nông sản, song song việc xây dựng thương hiệu, HTX đặc biệt quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất cũng như môi trường xung quanh. Đặc biệt, đưa ra yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt các nội quy về đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh cá nhân; thực hiện việc thu gom và xử lý vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, vỏ gói phân bón đúng quy định.
Với lợi thế thành viên trẻ, giàu kinh nghiệm về canh tác cây có múi (trong đó có 1 tiến sĩ và 2 thạc sĩ nông nghiệp) nên việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào canh tác của HTX được thực hiện rất thành thục, từng bước giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, mẫu mã và giá thành sản phẩm.
Nói về kinh nghiệm trồng cam, thành viên HTX Bùi Văn Tính chia sẻ, dân gian có câu “Miệng ăn núi lở”, nghề trồng cam cũng vậy, nếu không biết bổ sung phân bón tốt, sản xuất thân thiện với môi trường thì sẽ khó thu được trái ngọt và trụ vững trên thị trường.
Để đảm bảo cập nhật khoa học trồng trọt, nâng cao tay nghề cho các thành viên, hằng năm, HTX Mường Động tổ chức 9 lớp tập huấn cho các thành viên về kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch hại, đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi cung cấp ra thị trường.
Mùa vụ 2021, toàn bộ dự án sản xuất của HTX đạt trên 2.000 tấn quả các loại, 10.000-20.000 giống cây cam dòng đầu. Không những vậy, HTX Mường Động còn đang giải quyết công ăn việc làm cho hơn 300 lao động với mức lương 5-6 triệu đồng/người/ tháng.
Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất an toàn, xanh, bền vững, tăng cường kết nối giữa sản xuất và thị trường theo chuỗi giá trị để đảm bảo thu nhập ổn định cho các thành viên. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng chuỗi du lịch trải nghiệm nhà vườn, bước đầu liên kết mở các trang du lịch và trải nghiệm phục vụ nhu cầu tìm hiểu thực tế của học sinh, sinh viên và du khách.
Tô Thương