Từ Hà Nội, xuôi nam theo quốc lộ 1A, qua đất Thường Tín, đến Phú Xuyên rẽ trái vào bờ hữu sông Hồng. Đường đến xã Hồng Thái thu hút bởi cảnh sắc đồng quê trù phú, càng ra gần sông Hồng, đất càng đậm màu phù sa, xanh ngút tầm mắt là vườn chuối, vườn bưởi, quất cảnh cho quả trĩu vàng, xen kẽ với những luống rau, quả…
Xe chúng tôi chạy qua cổng làng mang tên Nhân Vực, một cổng làng cổ, đứng bên cạnh đó là cây đa cổ thụ và mái chùa nhuốm màu thời gian… Bất giác, giai điệu đẹp trong ca khúc Trở về của nhạc sĩ Dương Thụ viết về bãi sông Hồng ngây ngất trong tôi: “Mênh mông đồng xanh thơm hương lúa”!
Trở về với nghề nông...
Theo chân Giám đốc HTX rau quả Hồng Thái, mở hai lần cửa lưới, chúng tôi lọt vào khu vườn có mái che của HTX. Ông bảo cần phải rào giậu như thế để ngăn côn trùng độc hại vào vườn hại cây.
Hiện HTX có ba nhà lưới, có mái che bằng tấm nilon nhập từ Canada, chuyên trồng măng tây và dưa lưới. Một nhà vườn rộng 1.200m2 và liền kề là hai nhà vườn khác rộng 3.600m2.
Cách đó không xa là khu vườn cũ của HTX đã thâm canh rau cải và cà rốt theo phương pháp hữu cơ. Khu vườn cũ này cũng trồng thêm cả măng tây từ 5 năm qua và đã cho thu hoạch. Ông giám đốc 59 tuổi trông thật “ngầu” với bộ đồ thể thao hàng hiệu, đeo cặp kính đen, để ria mép. Trông không ai nghĩ ông làm nông. Mà đúng vậy, qua câu chuyện mới biết ông tên Lê Đức Trịnh, cả một thời trai trẻ lăn lộn trong nghề xây dựng, rồi kinh doanh bất động sản ở Hà Nội.
Nhìn cơ ngơi của ông Trịnh trong làng thì biết ông đã thành đạt như thế nào. Biệt thự bề thế, nội thất, tiện nghi sang trọng, trước sảnh là hàng cây bonsai và non bộ, bên hông nhà là gara ô tô và một bể bơi gia đình có hệ thống lọc nước khá tân kỳ.
5 năm trước, theo tiếng gọi của quê hương, ông Trịnh bắt tay vào nghề nông, nhưng là nghề nông công nghệ cao, tại HTX Hồng Thái, ngay trên mảnh đất cha sinh mẹ dưỡng, nói như ông là “quê cha, đất tổ”!
Ông cho rằng làm nghề khác có thể kiếm tiền tốt hơn nghề nông nhưng không bền vững như nghề nông. Nghề nông, theo ông Trịnh, sẽ là nghề mãi mãi nuôi sống con người, mà đồng đất quê ông thì hỏi có nơi nào tốt hơn được nữa.
Dòng sông Cái (sông Hồng) ngoài kia mang phù sa từ nghìn đời nay đã bồi đắp nên châu thổ Bắc bộ, nơi dòng giống Việt sinh thành…
Ông Trịnh trở lại với nghề nông trên một tâm thế khác cha ông xưa. Ông nói về ý tưởng làm nông công nghệ cao, bởi bây giờ xã hội văn minh, cuộc sống đã lên tầm cao mới, con người cần thực phẩm sạch, chất lượng cao và làm nông bây giờ là phải đón được xu thế đó.
Trong câu chuyện trở lại nghề nông, ông Trịnh nói ông không đơn độc. Chí ít thì ý tưởng của ông cũng được các lãnh đạo từ huyện Phú Xuyên đến xã Hồng Thái tán đồng. Đó cũng là nguồn động lực để ông Trịnh nhen lại động cơ khởi nghiệp, dựng lại HTX và làm ăn theo Luật HTX mới.
Cũng vì vậy, ông Trịnh thu hút được 14 hộ nông dân trong xã cùng chung tay với ông làm nên HTX rau quả hữu cơ-công nghệ cao này. HTX thường xuyên tạo việc làm cho 20 lao động với tiền lương từ 3,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Để chuẩn bị cho lần khởi nghiệp thứ hai này thành công, ông đã rời làng để “tầm sư học đạo” làm nông công nghệ cao. Ông sang Bắc Ninh, Bắc Giang học trồng rau hữu cơ; đến Hải Dương học trồng cà rốt; lặn lội vào Lâm Đồng, Đà Lạt, và Bình Thuận để học cách trồng măng tây.
Khao khát hiểu biết kiến thức nông học đã đưa ông sang cả Nhật Bản để tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật trồng măng tây xứ người.
Làm nông công nghệ cao
Sau 5 năm trở về với nghề nông, ông Trịnh cùng bà con thành viên đã làm nên thương hiệu rau quả Hồng Thái. Sản phẩm đã được tiêu thụ ổn định tại thị trường Hà Nội.
Ông Trịnh cho biết HTX đã kết nối với một số trường mầm non trong vùng đưa các cháu đến tham quan vườn và tự tay các cháu được đào những củ khoai tây sạch trong vườn mang về biếu bố mẹ nấu ăn.
Trong câu chuyện, ông Giám đốc HTX dành nhiều tâm huyết cho cây măng tây. Ông cho biết giống măng tây trồng ở vườn qua 5 năm nay đã thoái hóa, do giống nhập trôi nổi từ nhiều nguồn, và nay, ông quyết trồng lại cây măng tây hoàn toàn mới với giống nhập từ Hà Lan.
Thành phố Hà Nội ủng hộ và tạo thuận lợi cho ông Trịnh liên hệ với đối tác để nhập giống mới. Và ngay trước mắt chúng tôi là 30.000 cây giống HTX mới nhập khẩu hạt từ Hà Lan về đợt 1, đợt 2 sẽ nhập tiếp 40.000 hạt giống nữa.
Cây măng tây là cây thực phẩm quý, dinh dưỡng cao và thị trường đang có nhu cầu rất lớn. Giá măng tây mà các bà nội trợ đang phải mua ở các siêu thị Hà Nội không dưới 400.000 đồng/kg. Vì thế, trồng măng tây là hướng đi kinh tế hiệu quả mà ông Trịnh đã chọn.
Nhưng trồng được măng tây không phải ai cũng làm được. Khu vườn măng tây của HTX Hồng Thái bây giờ, ngoài hệ thống nhà lưới che nắng, che mưa, chặn côn trùng, còn phải dưỡng hệ đất hữu cơ 100% bằng phân bò khô ủ men sinh học.
Một mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã rõ ràng trong ý niệm của chúng tôi, cho thấy làm nông nghiệp công nghệ cao bây giờ không chỉ cần vốn đầu tư mà cần có cả con người với kiến thức khoa học và kỹ thuật.
Riêng khoản phân hữu cơ, HTX đã bỏ ra 600 triệu đồng để mua 300 tấn về cho 3ha măng tây; lại còn phải đầu tư, thiết kế một hệ thống tưới bảo đảm đất đủ độ ẩm thích hợp thì măng tây mới sinh trưởng.
Ông Trịnh cho chúng tôi xem tận mắt hệ thống tưới tự động, từ bể chứa 1.000m3 lấy nước sông Hồng trữ lại, để lắng phù sa rồi dẫn nước trong vào bể lọc để tưới trong vườn.
Từ đây, một bộ xử lý sẽ tự động tích hợp các yếu tố như độ ẩm của đất, nhiệt độ ngoài trời… và nhận lệnh của con người điều khiển để nước tưới lan tỏa khắp các luống măng tây trong vườn.
Về mùa hè, khi nhiệt độ ngoài trời cao, sẽ tưới phun mưa lên mái làm mát không khí trong vườn, sau đó nước theo máng chảy về bể để tiếp tục tuần hoàn.
Ông Trịnh biểu diễn lệnh tưới cây ngay trên chiếc smartphone của mình. Một vài phút sau, nước nhỏ từng hạt, từng hạt, như sương sa dưỡng cây. Không lâu sau, hệ thống tự ngừng nước tưới do độ ẩm đã đủ, tín hiệu báo ngừng tưới lại hiện ngay trên màn hình smartphone trong tay ông chủ vườn.
Ông Trịnh bảo nhờ hệ thống tưới tự động này mà ông ở đâu cũng có thể qua internet và smartphone kiểm soát được tình trạng cây măng tươi trong vườn.
Ông Trịnh còn chỉ cho chúng tôi xem cây măng tây đang nhô lên từ tầng đất hữu cơ, phần có chất lượng nhất của cây là nằm trong tầng đất. Măng tây có hai loại, cây măng xanh cho giá trị không cao bằng cây măng trắng. Một cây măng phải qua 3 tháng ươm và 4 tháng trồng, tổng cộng là sau 7 tháng mới cho thu hoạch. Khu vườn măng tây này HTX đã phải đầu tư ngót nghét 2 tỷ đồng.
Rời Hồng Thái, một mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã rõ ràng trong ý niệm của chúng tôi, cho thấy làm nông nghiệp công nghệ cao bây giờ không chỉ cần vốn đầu tư mà cần có cả con người với kiến thức khoa học và kỹ thuật.
Tạm biệt ông Trịnh, tôi ghi nhớ hình ảnh về một tầng lớp nông dân, ông chủ mới của ruộng đồng hôm nay. Họ thật hiện đại, thật năng động, thật đủ trình độ để sẵn sàng tìm ra cách xử lý hiệu quả công việc làm ăn. Không còn thời của những ông chủ nhiệm HTX “chân đất” năm nào!
Công Trí