Đầu năm 2020, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã triển khai mô hình chuyển đổi 5ha đất trồng lúa thiếu nước tưới, năng suất thấp sang mô hình sản xuất dưa hấu sử dụng bạt phủ nilon đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại HTX nông nghiệp Lễ Môn, xã Phong Bình, huyện Gio Linh. Mô hình đã thu hút sự tham gia tích cực của 35 hộ thành viên.
Việc chuyển đổi diện tích đất lúa thiếu nước sang trồng dưa hấu tại xã Phong Bình có sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp và hưởng ứng tích cực của người dân. Vụ thu hoạch đầu tiên đã mang lại giá trị kinh tế cao, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất sản xuất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp
Để hỗ trợ cho bà con sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã cử cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch, hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc.
Việc triển khai mô hình nhận được sự nhất trí cao của lãnh đạo địa phương và hưởng ứng mạnh mẽ của bà con nông dân, cũng như sự tâm huyết của cán bộ kỹ thuật chỉ đạo mô hình.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch dưa hấu tại đầu bờ, giúp bà con nắm rõ quy trình sản xuất đạt năng suất cao (Ảnh:TL) |
Vào thời điểm chuẩn bị triển khai mô hình, hoạt động tập huấn ủ phân hữu cơ vi sinh không thể triệu tập đông đủ bà con nông dân do ảnh hưởng của dịch Covid 19. Tuy nhiên, với sự linh hoạt của mình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã đến từng hộ gia đình để trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật. Theo đó thời gian ủ phân được các hộ thực hiện từ 29/3 - 4/4/2020, tổng khối lượng phân ủ được khoảng 70m3, tương ứng với khoảng 56 tấn phân hoai mục.
Kỹ sư Nguyễn Xuân Lộc, cán bộ được cử về hỗ trợ mô hình cho biết, sau khi gặt lúa Đông Xuân, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn các hộ dân làm đất gieo trồng nên đảm bảo được tính thời vụ.
“Ruộng mô hình sử dụng bạt phủ nên duy trì độ ẩm lâu hơn, hạn chế thất thoát phân bón và phát triển của cỏ dại, các chỉ tiêu sinh trưởng đều cao hơn ruộng đại trà từ 6 - 12,5 %”, ông Lộc nói.
Ông Trần Văn Bình, Tổ trưởng phụ trách triển khai mô hình của HTX Nông nghiệp Lễ Môn cho biết: “Từ khi nhận được mô hình, HTX đã phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông theo sát bà con trong tất cả các khâu kỹ thuật, đôn đốc bà con từ làm đất, rải bạt, ủ giống cho đến bón phân, chăm sóc... Do bà con thực hiện tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên các giai đoạn phát triển của cây diễn ra thuận lợi, tập trung, không có biến động lớn xảy ra”.
Hiệu quả vượt trội
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, thành viên HTX Lễ Môn là một trong 35 người tích cực hưởng ứng và triển khai việc chuyển đổi đất cấy lúa thiếu nước sang trồng dưa hấu tại địa phương.
Ông Hiếu cho biết, vụ dưa năm nay, gia đình ông trồng 12 sào (500m2/sào) trong đó có 6 sào trong mô hình và 6 sào ngoài mô hình. Để đánh giá hiệu quả của việc trồng dưa, ông Hiếu cùng triển khai một lúc nhưng áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác nhau đã cho kết quả khác xa nhau.
Mô hình trồng dưa hấu áp dụng khoa học kỹ thuật đã cho hiệu quả vượt trội so với phương pháp trồng truyền thống tại HTX Lễ Môn (Ảnh: Phạm Duy) |
Ruộng mô hình chỉ sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học, nên an toàn với sản phẩm, góp phần bảo vệ môi trường và cân bằng hệ sinh thái. Ruộng đại trà bón thừa đạm, nhưng thiếu lân so với quy trình, đồng thời không sử dụng màng phủ luống, phân vi sinh và chế phẩm Trichodepma dùng để ủ phân chuồng nên số lượng và chất lượng quả không bằng ruộng mô hình.
“Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bón cân đối tỷ lệ NPK, đồng thời được phun bổ sung phân bón lá sinh học đa dinh dưỡng phù hợp theo từng thời kỳ sinh trưởng. Ngoài ra, ruộng mô hình được bón phân chuồng ủ với chế phẩm Trichodepma, kết hợp bón lót phân hữu cơ vi sinh, nên đất đai tơi xốp hơn, đồng thời hạn chế được một số đối tượng nấm bệnh trong đất, nên cây trong ruộng mô hình phát triển khỏe hơn. Vụ tiếp theo, gia đình sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích sản xuất theo đúng quy trình của mô hình để nâng cao hiệu quả”, ông Hiếu nói.
Vụ thu hoạch này, qua kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm dưa hấu của Trung tâm Kiểm định Y tế tỉnh Quảng Trị, một số chỉ tiêu test mẫu đều đạt yêu cầu và ở mức cho phép, như dư lượng thuốc trừ sâu trong rau quả, nhóm lân hữu cơ và carbamate, chì (Pb), Escherichia Coli, Coliforms...
Cùng với đó, Trung tâm đã hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nên dưa hấu được thị trường ưa chuộng, tiêu thụ dễ dàng. Mô hình sản xuất dưa hấu trên đất lúa thiếu nước, theo phương pháp an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng màng phủ luống, đã mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất từ trước đến nay so với các cây trồng khác như lúa, đậu xanh và dưa hấu không phủ bạt nilon.
Theo ông Nguyễn Văn Út, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình, vụ dưa này, người dân trong xã đã chuyển đổi 30ha đất lúa thiếu nước sang trồng dưa, trong đó có 5ha trồng dưa theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiện, vụ dưa này đang vào thời kỳ thu hoạch. Dự kiến với năng suất đạt khoảng 20 tấn/ha, giá từ 10-12 nghìn/kg, mỗi ha cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí đầu vào kể cả công làm đất, chăm sóc, thu hoạch, mỗi ha lãi khoảng 100 triệu đồng.
“Từ hiệu quả của việc trồng dưa hấu theo mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật cho hiệu quả cao hơn so với cách trồng truyền thống. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ vận động các hộ dân nhân rộng mô hình. Xã sẽ tích cực tìm kiếm nguồn hỗ trợ để nhân rộng mô hình cũng như giúp bà con chuyển đổi những diện tích đất lúa thiếu nước còn lại trong vụ hè thu sang cây trồng cạn để nâng cao hiệu quả, thu nhập cho người dân”, ông Út nói.
Phương Nam