Trực Thái là xã thuần nông với hơn 470ha đất nông nghiệp, người dân có trình độ thâm canh cao, hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất đã có nền nếp. Điều này giúp giá trị sản xuất bình quân trên địa bàn xã đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Hiệu quả sản xuất hữu cơ
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn xã Trực Thái đã có những cách làm hiệu quả nhằm giảm bớt những ảnh hưởng tiêu cực của thị trường, như giảm dần chăn nuôi lợn thương phẩm chuyển sang nuôi lợn sữa (trọng lượng 5-5,4kg) theo hướng hữu cơ để xuất khẩu.
![]() |
Nuôi lợn hữu cơ cho hiệu quả kép về kinh tế và môi trường (Ảnh TL). |
Phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về điều kiện chăn nuôi, vệ sinh thực phẩm, song sản phẩm lợn sữa xuất khẩu thường ít bị phụ thuộc vào thị trường trong nước, giá bán thường duy trì ở mức trên 200 nghìn đồng/kg. Rủi ro với người chăn nuôi được giảm thiểu. Hiện, toàn xã có trên 10 hộ chuyển sang hướng chăn nuôi này.
Bên cạnh chuyển hướng sang nuôi lợn sữa, một số hộ thành viên HTX Chăn nuôi sạch xã Trực Thái đã chuyển sang nuôi lợn hữu cơ và nuôi lợn bằng thảo dược để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao.
Điển hình như trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Thức, thành viên liên kết của HTX, có tổng diện tích gần 6.000m2. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, anh Thức đã phân chia trang trại thành khu vực ao nuôi cá, vườn trồng cây ăn trái, hoa cảnh và khu chăn nuôi.
Khu chăn nuôi của anh Thức lúc nào cũng có trên 300 con lợn, áp dụng nuôi hữu cơ, tiêm phòng đầy đủ và tự chế biến thức ăn với 3 thành phần chủ yếu là bột cá, cám ngô và khô đậu tương. Nhờ đó, đàn lợn của gia đình anh phát triển khỏe mạnh, chất lượng thịt thơm, ngon vượt trội.
Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, anh Thức còn mạnh dạn bổ sung thảo dược (quế, hồi, kim ngân, đậu nành…) vào nguồn cám hữu cơ như cám gạo, ngô, bỗng rượu… để thay thế hoàn toàn cám sản xuất công nghiệp trong quá trình chăn nuôi.
Theo anh Thức, chăn nuôi hữu cơ không chỉ giúp nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu các nguồn vi sinh vật lây bệnh, đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất.
Đẩy mạnh hỗ trợ
HTX sản xuất, chế biến nấm Nhật Bằng cũng đang là một trong những điển hình trong sản xuất hữu cơ, cho hiệu quả cao trên điạ bàn xã Trực Thái.
Để xây dựng thành công thương hiệu nấm Nhật Bằng như hiện tại, các thành viên HTX đã tuân thủ tuyệt đối quy trình sản xuất nấm sạch, như sử dụng thực phẩm hữu cơ (cám gạo, cám bắp) để làm phôi nấm, dùng nguồn nước sạch, thường xuyên khử khuẩn, diệt nấm mốc trong nhà trồng nấm…
Nhờ sản xuất sạch cùng chất lượng vượt trội, nấm hữu cơ của HTX Nhật Bằng đang được đánh giá rất cao để trở thành sản phẩm OCOP của huyện Trực Ninh.
![]() |
Trồng nấm công nghệ cao đang cho hiệu quả cao tại Trực Thái (Ảnh TL). |
Những kết quả thực tế cho thấy hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Trực Thái đang có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả, gia tăng thu nhập cho người dân.
Đại diện UBND xã cho biết, để có được kết quả này, xã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng, quy hoạch vùng sản xuất. Phát huy vai trò của các HTX, tranh thủ nguồn hỗ trợ từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh giống cây, con, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành nông nghiệp.
Đồng thời, xã cũng chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt và nuôi thuỷ sản, khuyến khích nhân dân tham gia thực hành thí nghiệm và nhân rộng những mô hình hiệu quả.
Trung bình mỗi năm, các ban, ngành, HTX của địa phương đã phối hợp với các trường dạy nghề mở hàng chục lớp tập huấn, thu hút trên 1.000 lượt người tham gia tìm hiểu kỹ thuật, mô hình sản xuất mới.
Trong thời gian tới, các giải pháp trên vẫn sẽ tiếp tục được xã đẩy mạnh, từ đó tạo điều kiện để người dân thay đổi lối canh tác truyền thống, tích cực áp dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những giá trị lâu dài.
Hưng Nguyên