Theo thống kê, toàn huyện hiện có hơn 112,6 ha rau trồng trong nhà kính, nhà lưới, gần 305 ha rau có hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước, xấp xỉ 1.030 ha rau sử dụng phân hữu cơ. Hầu hết các mô hình đều cho thấy ưu điểm vượt trội về cả giá trị kinh tế và môi trường.
Mở rộng diện tích
Trong những năm qua, để mở rộng diện tích rau ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp huyện Cần Giuộc đã chủ động phối hợp các ngành chức năng tổ chức trình diễn, xây dựng mô hình điểm, triển khai hệ thống tưới tự động, sử dụng phân hữu cơ vi sinh,...
Diện tích trồng rau công nghệ cao trên địa bàn huyện Cần Giuộc ngày càng được mở rộng (Ảnh TL). |
Người nông dân trên địa bàn huyện được hỗ trợ chuyển đổi từ cây trồng hiệu quả thấp sang trồng rau ứng dụng công nghệ cao, qua đó giảm công lao động, tạo ra sản phẩm an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn 50 – 55 triệu đồng/ha/năm so với sản xuất thủ công truyền thống.
HTX Phước Thịnh (xã Phước Hậu) đang là một điển hình trong phát triển sản xuất hữu cơ có ứng dụng công nghệ cao, cho hiệu quả vượt trội tại Cần Giuộc.
Qua 7 năm đi vào hoạt động, HTX đang có 60 thành viên, sản xuất rau công nghệ cao theo hướng an toàn sinh thái trên diện tích 30ha, trong đó có 7,2 ha rau đạt chuẩn VietGAP với các tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Ông Đặng Duy Dũng, Giám đốc HTX Phước Thịnh, cho biết trước đây, việc lạm dụng thuốc trừ sâu khiến môi trường đất, nước, không khí bị thoái hóa, ô nhiễm nghiêm trọng dẫn đến năng suất rau ngày càng đi xuống.
Sau khi chuyển đổi phương thức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, các loại hóa chất độc hại được thành viên HTX loại bỏ hoàn toàn, các hoạt chất vi sinh, phân bón hữu cơ được ưu tiên, giúp năng suất, chất lượng rau được nâng lên, đồng thời môi trường sinh thái được đảm bảo.
“Trồng rau trong nhà màng, nhà lưới, nhà kính, sản xuất rau theo phương pháp thủy canh,... đang là định hướng phát triển xuyên suốt không chỉ của HTX Phước Thịnh mà là của nhiều HTX khác trên địa bàn huyện. Đây là hướng đi đảm bảo sự bền vững khi mang lại giá trị kép cả về kinh tế và môi trường”, ông Dũng nhấn mạnh.
Chú trọng liên kết
Bên cạnh hoàn thiện quy trình sản xuất, để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm rau công nghệ cao, huyện Cần Giuộc đã chủ động tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện cho các tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả.
Các HTX đang khẳng định dấu ấn trong trồng rau công nghệ cao ở Cần Giuộc (Ảnh TL). |
Cụ thể, huyện hỗ trợ HTX, doanh nghiệp xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và đăng ký chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. Nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến về giống cây trồng chất lượng cao.
Hiện, toàn huyện có 28 HTX, 1 liên hiệp HTX và 95 tổ liên kết sản xuất, trong đó có 7/16 HTX rau được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 3 HTX được cấp chứng nhận sản xuất rau theo chuỗi an toàn.
Năm 2021, huyện phấn đấu có 1.128 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có thêm ít nhất 2 HTX, tổ hợp tác được công nhận đạt chuẩn VietGAP.
Để đảm bảo hiệu quả, huyện dự kiến sẽ tổ chức 5 điểm trình diễn mô hình ứng dụng phân hữu cơ vi sinh công nghệ mới, công nghệ nano, xây dựng thêm 5 ha tưới nước tự động, tiết kiệm nước, 100 ha ứng dụng phân hữu cơ vi sinh, 3 điểm trình diễn mô hình nhà lưới trồng rau tại các xã Mỹ Lộc, Phước Lâm và Thuận Thành, với mức hỗ trợ từ 40% đến 50% vật tư.
Đồng thời, huyện sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động HTX, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân xây dựng thêm 10 ha trồng rau trong nhà lưới. Vận động các doanh nghiệp liên kết tổ chức thu mua nông sản sạch, rau an toàn xuất khẩu ra nước ngoài song song với việc giới thiệu sản phẩm rau an toàn nhằm tăng khả năng tiêu thụ ra các tỉnh, thành lân cận và cung cấp rau an toàn cho TP.HCM.
Nhật Minh