Bên cạnh các HTX, hộ sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cũng ngày càng quan tâm đến nông nghiệp hữu cơ. Đây là nhân tố giúp tỉnh hình thành các chuỗi giá trị, giúp nông sản sạch bảo đảm cả đầu vào, đầu ra. Người nông dân vì thế cũng ổn định thu nhập trên chính mảnh đất quê hương.
Liên kết sản xuất sạch
Mô hình trồng ném (hành tăm) hữu cơ trên vùng đất cát huyện Hải Lăng là một trong những điểm hình thành công nhờ chú trọng liên kết trong phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học – kỹ thuật.
Quảng Trị đang đẩy mạnh trồng trọt theo hướng hữu cơ, VietGAP (Ảnh TL). |
Để phát triển bền vững, thời gian qua, huyện Hải Lăng đã tích cực thu hút các HTX, doanh nghiệp tham gia vào các mô hình sản xuất ném nhằm tạo điểm tựa cho người nông dân. Toàn huyện hiện có 14 HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp tham gia mô hình trồng ném, với tổng diện tích trên 130 ha.
Giám đốc HTX Kim Long, ông Nguyễn Hữu Phước, cho hay Hải Lăng là vùng đất trũng, chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu nên việc sản xuất sạch để bảo vệ môi trường sinh thái là vấn đề sống còn, được người dân đặc biệt quan tâm.
Nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đang áp dụng tưới tiết kiệm nước khi trồng ném. Quá trình canh tác được hoàn thiện theo hướng thân thiện môi trường, như không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu hóa học, độc hại.
Nếu Hải Lăng có cây ném thì ở huyện Cam Lộ có cây hồ tiêu. Sản phẩm hồ tiêu hữu cơ vùng Cùa nổi tiếng với vị đậm, cay nồng, hương sâu, hạt nhỏ, trọng lượng nặng, là kết tinh của thổ nhưỡng đất đỏ và khí hậu khắc nghiệt miền Trung.
Để nâng cao hiệu quả, nhiều hộ nông dân trồng tiêu trên địa bàn huyện đã chủ động liên kết thành lập HTX, từ đó mở ra cơ hội liên kết với doanh nghiệp, đảm bảo thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán sản phẩm.
Có thể kể đến một điển hình là HTX hồ tiêu Cùa, nhờ sản xuất khoa học, năm 2019, sản phẩm hồ tiêu của HTX được UBND tỉnh Quảng Trị chứng nhận là sản phẩm OCOP.
Ông Trần Hà, Giám đốc HTX, cho biết để đạt tiêu chí sản phẩm OCOP thì hồ tiêu Cùa phải đảm bảo nhiều tiêu chí. Trong đó, HTX phải xây dựng vùng sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, chế biến sản phẩm an toàn, có chỉ dẫn địa lý và sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng, sử dụng.
Nâng cao giá trị sản xuất
Theo Giám đốc HTX Trần Hà, việc xây dựng thành công thương hiệu đang giúp sản phẩm tiêu hữu cơ của HTX hồ tiêu Cùa nâng cao uy tín, ổn định thị trường, từ đó nâng cao thu nhập cho thành viên.
Sản xuất sạch sẽ đảm bảo thị trường tiêu thụ, nâng cao giá bán cho nông sản của tỉnh (Ảnh TL). |
Các sản phẩm hồ tiêu tiêu chuẩn của HTX đang được bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường 3 - 7 nghìn đồng/kg, đồng nghĩa khi sản xuất sạch, nông dân có thêm vài triệu đồng/tấn.
Thu nhập của người lao động HTX hiện cũng được đảm bảo mức 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ giá trị sản xuất được đảm bảo, 60 hộ thành viên HTX hiện đã thoát nghèo, nhiều hộ có "của ăn của để".
Rõ ràng, việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ đang giúp ngành trồng trọt tỉnh Quảng Trị có được những thành công đáng kể.
Theo Sở NN&PTNT Quảng Trị, hiện tỉnh đã xây dựng được nhiều chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn như HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đông Thanh (phường Đông Thanh, Tp. Đông Hà) cung ứng hành lá, rau dền, giá đỗ; HTX nông nghiệp Trường Sơn (huyện Vĩnh Linh) cung ứng dưa hấu, dưa lưới; HTX dịch vụ tổng hợp Thành Công (huyện Gio Linh) với mô hình trồng rau thủy canh, hệ thống làm mát tự động trong chăn nuôi lợn…
Trong thời gian tới, việc xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục là hướng đi được tỉnh Quảng Trị ưu tiên nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn cho người sản xuất và người tiêu dùng.
Hưng Nguyên