Trước đây, người dân xã Quang Huy thường sử dụng phân bón vô cơ khiến đất bị xơ hóa, giảm nhanh các loại vi sinh vật có lợi trong đất, tồn dư các kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật... tác động không tốt đến sản phẩm nông nghiệp cũng như sức khỏe người nông dân và người tiêu dùng. Trước thực tế này, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phù Yên đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm xây dựng mô hình trồng lúa hữu cơ tại HTX Quang Huy.
Năng suất cao, chất lượng tăng
Năm 2019, HTX bắt đầu triển khai thực hiện mô hình trồng lúa hữu cơ trên diện tích 30 ha. Các thành viên HTX tham gia mô hình được tập huấn đầy đủ quy trình sản xuất lúa hữu cơ, bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) từ làm mạ, đến làm đất, rồi sử dụng phân hữu cơ cho từng giai đoạn phát triển của cây lúa, đến cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ sâu bệnh và sử dụng nguồn nước sạch tưới tiêu...
Mô hình trồng lúa hữu cơ của HTX Quang Huy cho năng suất trung bình 62-63 tạ/ha |
70% chi phí phục vụ sản xuất của HTX được Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ, gồm giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... HTX đưa vào thâm canh 2 giống lúa gồm giống lúa thuần chất lượng cao: JO2 và Đài Thơm 8, đều sử dụng phân bón hữu cơ.
Qua thực tế cho thấy, thời gian sinh trưởng của 2 giống lúa này tương đương với các giống lúa gieo trồng đại trà ở địa phương, ít sâu bệnh, chiều cao trung bình cây lúa từ 93-100 cm, bông dài, hạt to đều, cây gọn, bộ lá xanh bền, năng suất trung bình 62-63 tạ/ha...
Đặc biệt, khi sử dụng phân bón hữu cơ đã góp phần thúc đẩy khả năng đẻ nhánh của cây lúa, thời gian đẻ nhánh và trỗ chín tập trung, giúp cây cứng nên chống đổ tốt. Phân bón hữu cơ còn làm cho chất bùn, gốc rạ phân hủy nhanh hơn. Tỷ lệ hạt chắc/bông cao làm tăng năng suất của các giống lúa cao hơn cùng loại giống sản xuất đại trà có sử dụng phân bón vô cơ.
Bảo đảm an toàn lao động
Anh Hà Văn Ắng, Trưởng bản Búc, thành viên HTX cho biết: Vụ chiêm năm 2019, bản Búc triển khai thí điểm trồng lúa hữu cơ quy mô 3 ha. Do sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ sâu bệnh, người nông dân trong quá trình sản xuất được bảo đảm ATLĐ. Các loại vi sinh vật có lợi cho cây trồng không bị suy giảm số lượng, sản phẩm gạo an toàn nên người tiêu dùng yên tâm lựa chọn.
Thành viên HTX thu hoạch lúa hữu cơ |
Một thành viên HTX khác cũng ở bản Búc là ông Lò Bách Tan cho rằng sản xuất lúa hữu cơ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và môi trường xung quanh, lại tạo ra hạt gạo an toàn, thóc để lâu không bị sâu mọt, giá bán cao hơn thóc cùng loại 5.000 đồng/kg. Gia đình ông Búc có 800 m² ruộng trồng lúa hữu cơ, vụ mùa năm vừa qua thu được khoảng 6 tạ thóc hữu cơ.
Trong quá trình sản xuất, thành viên HTX còn thường xuyên được phổ biến các biện pháp bảo đảm ATLĐ như thao tác sử dụng máy móc, thiết bị, dụng cụ lao động, bốc vác nhằm hạn chế tối đa rủi ro khi di chuyển hoặc nâng vác các vật nặng. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dù là nguồn gốc sinh học, người lao động cũng phải trang bị quần áo bảo hộ. Quần áo bảo hộ lao động phải được giặt sạch và không được để chung với thuốc bảo vệ thực vật.
Với những lợi ích kinh tế và sức khỏe cho người sản xuất, HTX sẽ tiếp tục sản xuất lúa hữu cơ thêm 4 vụ, quy mô 20 ha/vụ. Đây không chỉ là cơ hội tốt để các thành viên HTX tiếp cận kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ, mà còn là dịp để các xã trong huyện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng mô hình, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Hoàng Lê