HTX đang khẳng định vai trò trong phát triển chuỗi lúa gạo tại Trảng Bàng |
HTX khẳng định vai trò
Số liệu thống kê cho thấy toàn huyện Trảng Bàng hiện có 12.500 ha đất trồng lúa, trong đó tập trung nhiều nhất ở 3 xã cánh Tây và các ấp ven sông Vàm Cỏ Đông.
Từ năm 2013 đến nay, mô hình liên kết sản xuất lúa theo hướng VietGAP, chú trọng ATLĐ, vệ sinh thực phẩm được huyện mở rộng, đạt 4.231 ha (trong đó đã chứng nhận đạt tiêu chuẩn hơn 414 ha).
Trong quá trình phát triển, các HTX trên địa bàn đang khẳng định vai trò là một trong những đầu tàu dẫn dắt các thành viên, hộ liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn, ứng dụng khoa học – kỹ thuật mới, đẩy mạnh cơ giới hóa gắn với ATLĐ vào sản xuất.
Đến nay, Trảng Bàng có 15 HTX, trong đó 7 HTX chuyên sản xuất, tiêu thụ lúa và lúa nếp với 211 thành viên, tổng diện tích trên 855 ha. Các HTX đã tranh thủ tốt sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chuyên môn để giúp các thành viên phát triển sản xuất an toàn, hiệu quả.
Một số HTX chủ động xây dựng các phương án làm dịch vụ đầu vào, tìm đối tác để bao tiêu sản phẩm, tránh tình trạng thương lái ép giá, tăng thu nhập cho các thành viên.
Có thể kể đến HTX dịch vụ nông nghiệp Gia Bình, nhờ sản xuất an toàn, ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật, mang lại doanh thu trên 48 triệu đồng/ha/vụ. Năng suất lúa cấy trung bình tại HTX đang cao hơn so với sạ lan từ 0,5 - 0,7 tấn/ha.
Anh Cao Văn Thanh – thành viên HTX Gia Bình, chia sẻ: “Vào HTX, chúng tôi được tập huấn kỹ thuật, trang bị kiến thức về ATLĐ, giúp quá trình canh tác dễ dàng, hiệu quả hơn. Đơn cử như trong quá trình sản xuất, tôi được HTX hướng dẫn vận hành máy móc an toàn, hỗ trợ mua đồ bảo hộ như mũ, kính mắt, găng tay…”.
Với sự đồng hành của HTX, Trảng Bàng đang phát triển sản xuất lúa gạo theo hướng hiện đại gắn với ATLĐ |
Liên kết sản xuất an toàn
Tại xã Phước Lưu hiện có 2 HTX dịch vụ nông nghiệp sản xuất, bao tiêu sản phẩm lúa, lúa nếp. Sự thành lập của các HTX đã tạo bước chuyển quan trọng trong tư duy sản xuất của người dân địa phương từ quảng canh truyền thống sang chuyên canh an toàn, chú trọng ATLĐ.
Ông Võ Tấn Lực - Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Giang (Phước Lưu), cho biết sau khi thành lập, HTX đã phối hợp UBND xã vận động các thành viên HTX tham gia xây dựng cánh đồng mẫu lớn, tổ chức tập huấn quy trình sản xuất an toàn đến tận địa bàn xóm ấp.
Tại các lớp tập huấn, người dân được trang bị kiến thức để dễ dàng nắm bắt, ứng dụng khoa học – kỹ thuật mới, đồng thời nâng cao ý thức về ATLĐ, đặc biệt trong việc sử dụng máy móc, thiết bị, sử dụng đồ bảo hộ lao động, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đúng cách…
Sự đồng hành của HTX cũng giúp các hộ sản xuất trên địa bàn xã Phước Lưu trở thành đối tác tin cậy của các doanh nghiệp thực phẩm. Hiện tại, trong mỗi vụ sản xuất, phía doanh nghiệp bao tiêu 100 - 200 ha cho người dân với giá thu mua thấp nhất từ 6.000 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn so với ngoài mô hình trên 5 triệu đồng/ha/vụ.
Để tiếp tục phát triển ngành lúa gạo theo hướng bền vững, Trảng Bàng sắp tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tăng năng suất, chất lượng lúa; tập trung xây dựng phát triển mô hình cánh đồng lớn gắn với phát triển HTX trên mọi mặt.
Huyện cũng sẽ tạo điều kiện để các HTX, nhà nông liên kết sản xuất và hợp đồng bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị lúa gạo; khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với ATLĐ; từng bước xây dựng thương hiệu lúa gạo của địa phương.
Hưng Nguyên