Theo ghi nhận của Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang, trong 5 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 18 mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, nhiều mô hình áp dụng các cây trồng mới đem lại những giá trị thiết thực cả về kinh tế và môi trường sinh thái.
Thành công nhờ… thay cũ, đổi mới
Sơn Dương là một trong những địa phương đi đầu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trong việc lựa chọn các giống cây mới đưa vào trồng thử nghiệm theo hướng hàng hóa, thân thiện thiện môi trường, đã và đang mang lại hiệu quả tích cực.
![]() |
Các loại cây trồng mới như sa chi đang cho thấy tiềm năng phát triển mạnh ở Tuyên Quang (Ảnh TL). |
Có thể kể đến mô hình trồng cà gai leo tại các xã Hợp Hòa, Sầm Dương với diện tích hơn 30 ha; mô hình trồng cây sa chi tại xã Lương Thiện với diện tích 3 ha; mô hình trồng cây hương nhu tại xã Tú Thịnh với quy mô 18 ha; mô hình trồng dưa lưới trong nhà kín với diện tích hơn 3.000 m2 tại xã Kháng Nhật…
Thánh 4/2019, HTX nông nghiệp Lương Thiện, xã Lương Thiện bắt tay triển khai mô hình trồng cây sa chi theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường, trên diện tích 3 ha với 16 hộ tham gia, mật độ trồng khoảng 85 gốc/sào.
Sau 8 tháng chăm sóc, diện tích sa chi của HTX bắt đầu cho thu hoạch với năng suất trung bình mỗi cây đạt 3 kg hạt khô/năm. Với giá bán 50.000 đồng/kg, mỗi sào cây sa chi cho thu hơn 12 triệu đồng/năm, cao gấp 2,5 lần so với cây lúa truyền thống.
Anh Đặng Xuân Dũng, Giám đốc HTX Lương Thiện cho biết, để nâng cao giá trị sản xuất, các thành viên HTX đã chuyển đổi một phần diện tích canh tác sang trồng một loại cây trồng hoàn toàn mới là sa chi và xác định sản xuất sạch gắn với ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật là chìa khóa mở cửa thành công.
Theo đó, HTX triển khai trồng sa chi theo chuẩn hữu cơ, nói không với các loại hóa chất độc hại, chất kích thích tăng trưởng, thuốc diệt cỏ, thay vào đó là sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học theo nguyên tác an toàn sinh thái, đảm bảo đúng liều, đúng loại, đúng thời gian.
Các loại rác thải phát sinh trong quá trình sản xuất cũng được HTX thu gom, xử lý đúng theo quy định, tránh tình trạng vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường đất, nước. Việc xử lý rác thải, cỏ dại trong vườn cũng giúp HTX loại bỏ ký sinh trùng gây hại cho cây.
Tính toán bước đi dài hơi
Các mô hình cây trồng mới cũng đang được triển khai hiệu quả tại nhiều địa phương khác ở Tuyên Quang, điển hình như mô hình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, thân thiện môi trường, có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, triển khai tại các huyện Hàm Yên, Yên Sơn và Na Hang.
![]() |
Để đảm bảo tính bền vững, tỉnh cần siết chặt quy hoạch, giải hết các "bài toán" tiêu thụ (Ảnh TL). |
Đến nay, mô hình trồng chè VietGAP đã được nhân rộng trên tổng diện tích 28,5 ha, năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha, tăng 2 tấn/ha so với sản xuất thông thường, giá bán tăng 2.000-3.000 đồng/kg. Các sản phẩm được sơ chế, đóng gói, có tem truy xuất nguồn gốc đầy đủ.
Hay như mô hình liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm ngô ngọt tại các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, với tổng diện tích hơn 17 ha. Mô hình cho năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha, và đang được HTX nông nghiệp và dịch vụ Sinh Lợi, tỉnh Bắc Giang hỗ trợ bao tiêu, với giá 4.500 đồng/kg.
Ngoài ra, còn có mô hình ghép cải tạo nhãn tại huyện Yên Sơn với tổng diện tích 5 ha. Đến nay, tỷ lệ sống của các mắt ghép đạt 87%, cành ghép cao 0,8 - 1,2m, đã phân cành cấp 2, cành cấp 3, nhãn sinh trưởng, phát triển tốt.
Thực tế cho thấy, phần lớn các mô hình mới đều cho hiệu quả cao nhờ phương thức sản xuất sạch, thân thiện môi trường, ứng dụng hiệu quả thành tựu khoa học – kỹ thuật. Tuy nhiên, để đảm bảo phát triển bền vững, các địa phương, đơn vị sản xuất cần tính toán đến công tác kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Chị Bùi Thị Thùy, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Sơn Thịnh, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương cho biết, đơn vị đang triển khai mô hình trồng hương nhu làm tinh dầu dược liệu trên diện tích 18 ha.
Trong những vụ đầu, sản lượng thu hoạch không quá lớn, mỗi lít tinh dầu hương nhu của HTX bán với giá trên 2 triệu đồng, cung không đủ cầu. Tuy nhiên, khi sản lượng dần nâng lên, vấn đề tiêu thụ trở nên khó khăn hơn, đặc biệt kể từ năm 2020 đến nay, khi đại dịch Covid-19 xảy ra, thị trường lại càng bị thu hẹp.
Theo chị Thùy, để người dân thực sự đổi đời từ các mô hình canh tác mới, trong thời gian tới, bên cạnh sự chủ động trong sản xuất của người sản xuất rất cần sự đồng hành của địa phương, hình thành liên kết giữa nhà nông, HTX, doanh nghiệp và nhà khoa học, xây dựng các liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.
Hưng Nguyên