Kết quả giai đoạn đầu vừa qua, Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức đánh giá, phân hạng tổng số 47 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP thuộc các nhóm hàng dược liệu, nông sản thực phẩm, trang trí… Trong đó, bên cạnh 45 dòng sản phẩm phân hạng 4 sao, 3 sao cấp tỉnh Lâm Đồng; còn lại 2 sản phẩm đạt trên 90 điểm (sản phẩm Ladoactiso trà nhất diệp nguyên hương và Ladoactiso cao ống của CTCP Dược Lâm Đồng), Hội đồng OCOP tỉnh Lâm Đồng đang hoàn thành hồ sơ đăng ký đánh giá phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 5 sao cấp quốc gia trong thời gian tới.
“Trái ngọt đầu mùa” từ đầu tư bài bản
Để thu được những “trái ngọt đầu mùa” này, các cấp ngành và địa phương Lâm Đồng luôn xác định xây dựng kế hoạch đầu tư bài bản, khuyến khích và huy động sự vào cuộc của người dân, các khu vực kinh tế ở tỉnh, trong đó có vai trò quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác.
Tỉnh Lâm Đồng có nhiều nông sản đặc trưng vùng miền có tiềm năng xây dựng sản phẩm OCOP (Ảnh: TL) |
Huyện Lâm Hà là một trong những địa phương đi đầu trong Chương trình OCOP của tỉnh Lâm Đồng. Mới đây, với tổng kinh phí phê duyệt gần 535 triệu đồng, huyện đã thông qua kế hoạch xây dựng 6 sản phẩm OCOP thuộc các mặt hàng chuối Laba, hạt mắc ca sấy, lụa tơ tằm, cà phê bột... đặc trưng của địa phương trong năm 2020. Trong đó, bao gồm 360 triệu đồng nâng cấp 2 sản phẩm OCOP cấp huyện Lâm Hà đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên (hơn 50 điểm) để tham gia OCOP cấp tỉnh Lâm Đồng...
Theo kế hoạch, từ nay đến hết tháng 8/2020, huyện Lâm Hà sẽ tổ chức họp Hội đồng đánh giá, xếp hạng 4 sản phẩm OCOP cấp huyện. Đến trước ngày 10/9/2020, Hội đồng sẽ hoàn thành lập hồ sơ 2 sản phẩm OCOP để xét phân loại theo tiêu chuẩn cấp tỉnh Lâm Đồng.
Tại huyện Đam Rông, khu vực kinh tế hợp tác cũng đang phát triển mạnh nhằm phát huy những lợi thế sản phẩm đặc trưng có giá trị tiềm ẩn, trong đó có HTX Laba Banana Đạ KNàng (thôn Đạ Mur, xã Đạ K’Nàng).
Hiện nay, diện tích chuối của HTX và diện tích liên kết với các nông hộ trồng chuối Laba ở xã hơn 100ha đang ở thời kỳ kinh doanh, cho thu hoạch sản lượng đạt 10.000 tấn/năm, trong đó 7.000 tấn xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Trong quá trình sản xuất, HTX luôn chú trọng tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Do vậy, sản phẩm chuối được thị trường Nhật Bản chấp nhận, thương hiệu của HTX chuối Laba Banana Đạ KNàng có bước phát triển ngày một vững chắc.
Trong thời gian tới, HTX tiếp tục liên kết với nông hộ trên địa bàn để mở rộng thêm diện tích trồng chuối Laba đạt trên 300ha để đảm bảo sản phẩm cung cấp cho các đối tác theo hợp đồng. Đồng thời, đẩy mạnh và mở rộng diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng chuối Laba, đầu tư hoàn thiện máy móc phục vụ tốt hơn cho khâu chế biến, bảo quản sản phẩm... để nâng cao năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm nhằm đáp ứng tốt với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hiện nay, HTX đã đầu tư khu nhà xưởng khoảng 3.500m2 tại thôn Đạ Mur với công suất sơ chế, đóng gói xuất khẩu 5 tấn/ngày sang Nhật. Sản phẩm của HTX là một trong những ứng cử viên sáng giá trong Chương trình OCOP của địa phương.
Xúc tiến thương mại mở rộng đầu ra cho sản phẩm
Để đạt kết quả trong giai đoạn đầu triển khai vừa qua, ngành nông nghiệp Lâm Đồng được giao chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và chính quyền cấp huyện, xã trong tỉnh Lâm Đồng phối hợp lựa chọn đánh giá những sản phẩm OCOP hạng sao mang lợi thế đặc trưng nổi trội của từng vùng sinh thái khác nhau. Đó là những sản phẩm sản xuất, chế biến từ nguyên liệu trong tỉnh Lâm Đồng mang tính cộng đồng gắn với thị trường tiêu thụ ổn định, đặc biệt là thị trường thế giới. Qua đó, thể hiện tính sáng tạo cải tiến quy trình sản xuất, kế thừa kỹ thuật truyền thống trên từng sản phẩm của cộng đồng dân cư, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp địa phương.
Cùng với đẩy mạnh Chương trình OCOP, tỉnh Lâm Đồng chú trọng công tác xúc tiến thương mại để mở rộng đầu ra cho các sản phẩm (Ảnh: TL) |
Đồng thời, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức giới thiệu, quảng bá rộng rãi các sản phẩm OCOP hạng sao để kết nối giao thương, hợp tác tiếp tục đánh thức giá trị tiềm ẩn, nâng cao khả năng tiếp thị trên thị trường. Điển hình như tham gia các Hội chợ Quốc tế OCOP của Bộ NN&PTNT tại TP.HCM; Hội nghị OCOP do Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức tại tỉnh Bến Tre; Hội nghị Tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng và khu vực miền Trung Tây Nguyên tại tỉnh Quảng Nam; Festival OCOP do Bộ NN&PTNT tổ chức tại tỉnh Nam Định; Hội chợ sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên và miền Trung của Trung tâm Xúc tiến thương mại Trung ương tại tỉnh Đăk Lăk; Hội nghị thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm gắn với thu hút đầu tư vào nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng; Festival Hoa Đà Lạt và Tuần Văn hóa Trà và Tơ lụa Lâm Đồng tại TP Bảo Lộc năm 2019…
Từ kết quả tìm thấy những hạng sao OCOP tiềm ẩn giá trị trên địa bàn, Chương trình OCOP Lâm Đồng tiếp tục đặt mục tiêu đến cuối năm 2020, nhóm sản phẩm OCOP đã đạt từ 80 điểm trở lên như: atiso, cà phê arabica (Đà Lạt), cà phê robusta (Di Linh); hồng ăn trái (Đà Lạt, Đơn Dương); thảo dược (Lạc Dương, Đơn Dương); trà (Đà Lạt, Lâm Hà, Bảo Lộc); quả phúc bồn tử (Lạc Dương, Đức Trọng); hạt mắc ca (Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm); lụa tơ tằm (Lâm Hà, Bảo Lộc)… được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, nâng cấp trở thành sản phẩm OCOP quốc gia hạng 5 sao.
“Riêng OCOP hạng 3 sao, 4 sao Lâm Đồng được giao chỉ tiêu đến cuối năm phát triển mới 35 sản phẩm trên 12 huyện, thành gồm phúc bồn tử, mật ong, rau củ quả sấy, rượu linh chi, trầm hương, trà dây leo, chuối la ba, sầu riêng, măng cụt, bưởi da xanh, tơ tằm, trà, cà phê, măng cụt…”, đại diện Chi cục PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết.
Đức Nguyễn