Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) huyện Đăk Tô đặt mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ… có lợi thế của từng địa phương.
Cùng chung tay vào cuộc
Triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP, huyện Đăk Tô đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển sản xuất đặc trưng của địa phương góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, hướng dẫn về nội dung, chủ trương, chính sách thực hiện Chương trình OCOP đến các cấp, ngành và nhân dân, tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện. Từ đó, các xã, thị trấn cũng đã xác định được những sản phẩm đặc trưng để định hướng cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác và các hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP.
Các địa phương cùng chung tay vào cuộc biến lợi thế thành sản phẩm OCOP cụ thể (Ảnh: TL) |
“Trong năm 2019, Phòng NN&PTNT đã tập trung tham mưu cho UBND huyện tuyên truyền, vận động các chủ thể phát triển các sản phẩm hiện có trên địa bàn. Tập trung hướng dẫn cho các chủ thể hoàn thiện các hồ sơ theo chương trình triển khai thực hiện sản phẩm OCOP”, đại diện Phòng NN&PTNT huyện Đăk Tô cho biết.
Đến nay, huyện Đăk Tô đã có 3 sản phẩm của 2 đơn vị được trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh là sản phẩm cà phê rang xay, đóng gói của HTX Nông nghiệp, Dịch vụ và Thương mại Rạng Đông; sản phẩm Trà khổ qua rừng DATO, sản phẩm Khổ qua rừng đóng gói của Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên.
Chia sẻ về quá trình đạt sản phẩm OCOP, lãnh đạo Công ty Thảo dược Tây Nguyên (khối 5, thị trấn Đăk Tô) cho biết, thấy được tiềm năng, lợi thế về việc phát triển các loại cây dược liệu, đặc biệt là cây khổ qua rừng có nhiều ở tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Đăk Tô nói riêng, Công ty quyết định đầu tư để phát triển sản phẩm này.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩn Trà khổ qua rừng DATO và sản phẩm Khổ qua rừng đóng gói, Công ty Thảo dược Tây Nguyên đã liên kết với 4 hộ dân và trồng gần 1ha khổ qua rừng. Lúc đầu, các hộ dân còn e ngại về lợi ích kinh tế mang lại khi trồng cây khổ qua rừng, tuy nhiên với chính sách thu mua 15.000 đồng/kg quả tươi và từ 7.000 - 10.000đ/kg ngọn khổ qua, người nông dân đã có nguồn thu nhập ổn định.
Hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác
HTX Nông nghiệp, Dịch vụ và Thương mại Rạng Đông (khối 7, thị trấn Đăk Tô) được thành lập từ năm 2018, với 9 thành viên tham gia. Từ khi thành lập, HTX đã xác định nhu cầu của thị trường hiện nay chủ yếu về sản phẩm sạch và an toàn, nên các thành viên phải thay đổi lối trồng, chăm sóc cà phê truyền thống trước đây và chuyển sang sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ sinh học. Đồng thời, khi các thành viên liên kết lại với nhau sẽ giúp sản phẩm làm ra có số lượng, chất lượng và dễ tiêu thụ hơn.
Huyện Đăk Tô đã có 3 sản phẩm của 2 đơn vị được trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Ảnh: TL) |
Với sự đồng thuận, thống nhất, các thành viên HTX đã cùng nhau trồng, chăm sóc hơn 20ha cà phê theo hướng hữu cơ sinh học. Mọi quy trình chăm sóc, thu hái đều được thống nhất để sản lượng và chất lượng cà phê được đảm bảo theo tiêu chuẩn cà phê sạch.
Ngoài trồng, chăm sóc cà phê, HTX đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để lắp đặt dây chuyển sản xuất mới, chế biến phù hợp tiêu chuẩn, giữ được chất lượng, hương vị cà phê. Hiện, HTX đã chế biến ra sản phẩm cà phê sạch, cà phê nguyên chất, rang xay đóng gói và có thể cạnh tranh với các sản phẩm của địa phương khác.
Mặc dù việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Đăk Tô đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng số lượng sản phẩm vẫn còn ít so với tiềm năng và lợi thế của địa phương và sản phẩm cũng mới bước đầu phát triển nên đầu ra còn khó khăn.
Đại diện Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên kiến nghị Nhà nước, các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để phát triển thị trường trên cả nước. Đồng thời, mong muốn các cơ quan nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ một số thiết bị máy móc, cũng như một số dây chuyền sản xuất trà và máy sấy cho doanh nghiệp.
Trong khi đó, lãnh đạo HTX Nông nghiệp, Dịch vụ và Thương mại Rạng Đông đề nghị: “Tiến trình OCOP này cực kỳ quan trọng đối với HTX. Rất mong các cấp chính quyền chung tay ủng hộ, giúp đỡ chúng tôi”.
Để các sản phẩm đạt được chứng nhận OCOP, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn huyện Đăk Tô mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục hỗ trợ để chủ cơ sở phát triển sản phẩm theo các nội dung, phương án được phê duyệt; hỗ trợ hình thành các điểm, hệ thống giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP.
Đức Nguyễn