Theo đó, UBND TP.HCM yêu cầu đến hết năm 2020 phải hoàn thành việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các HTX, tổ hợp tác hoặc doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân và Hội đồng quản trị điều hành HTX theo Luật HTX 2012.
Cần có chính sách “đòn bẩy”
Đến nay, các quận, huyện của thành phố đã vận động được 1.945/2.592 tổ/đường dây thu gom rác dân lập thành mô hình HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Toàn thành phố hiện có 45 HTX có tư cách pháp nhân đang thu gom rác và còn khoảng 647 đường dây và tổ thu gom rác chưa có tư cách pháp nhân.
Chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập vẫn rất chậm (Ảnh: TL) |
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở TN&MT nhận định, công tác chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập đã có hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, nhìn chung công tác chuyển đổi mô hình hoạt động của lực lượng thu gom rác dân lập hiện nay còn diễn ra chậm, số lượng tổ/đường dây rác chưa có tư cách pháp nhân còn khá nhiều.
Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do các tổ/đường dây rác chưa thấy được lợi ích, quyền lợi hơn khi tham gia vào HTX. Các HTX thành lập mới hoạt động chưa hiệu quả, thiếu điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để củng cố. Đồng thời, chưa có chính sách tạo sự khác biệt để khuyến khích chuyển đổi mô hình. Bên cạnh đó, các đường dây sau khi chuyển đổi lên HTX trong giai đoạn 1 - 3 năm đầu hoạt động chưa ổn định, chưa đi vào nền nếp. Vì vậy, Thành phố cần có các chính sách hỗ trợ thêm để tạo “đòn bẩy” thu hút các đối tượng thu gom rác dân lập tham gia vào HTX.
Một vấn đề khó nữa, theo bà Nguyễn Kim Hoa, Giám đốc HTX vệ sinh môi trường Liên Minh, đó là vay vốn ưu đãi để chuyển đổi phương tiện vẫn còn nhiều khó khăn. Điển hình như còn phân biệt hộ khẩu “tỉnh” và thành phố, đa số chủ các đường dây rác dân lập có hộ khẩu tỉnh khác gặp khó khăn trong quá trình vay vốn. Mặt khác, có những người được HTX xác định có thu nhập từ 30 - 35 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không đủ điều kiện vay. “Vậy, những người thu nhập từ 10 - 20 triệu biết bao giờ mới được vay chuyển đổi phương tiện?”, bà Hoa đặt câu hỏi.
Đáng chú ý, nhiều đường dây thu gom rác đã làm các thủ tục vay ưu đãi, ứng 30% vốn đối ứng, nhưng Quỹ Bảo vệ môi trường lại trả lời hiện không còn vốn để cho vay. "Điều này khiến người dân mất lòng tin, không còn động lực chuyển đổi phương tiện, tham gia HTX. Đề nghị các cấp sớm bổ sung nguồn tiền để kịp thời cấp vốn cho bà con”, bà Hoa nói.
Tạo điều kiện để phát triển HTX
Ông Lý Văn Hoà, Giám đốc HTX vệ sinh môi trường Bảo Tín (huyện Hóc Môn) nhận định, khó khăn lớn nhất của HTX hiện nay chính là vấn đề chuyển đổi phương tiện. Vì vậy, HTX kiến nghị Thành phố cần có chính sách ưu đãi hơn khi vay vốn như: giảm vốn đối ứng ban đầu từ 30% xuống 20%; kéo dài thời gian cho vay từ 5 năm lên 6 - 7 năm; gia hạn thời gian chuyển đổi theo lộ trình phù hợp; cung cấp thêm vốn cho Quỹ bảo vệ môi trường thành phố để giải ngân nhanh. Đồng thời, cho thiết kế thí điểm các xe thu gom loại nhỏ, giá thành thấp vào các ngõ nhỏ xoay trở được.
Cần có chính sách hỗ trợ cho các HTX dịch vụ môi trường đổi mới phương tiện, nâng cao hiệu quả hoạt động (Ảnh: TL) |
Ông Võ Văn Hùng, Giám đốc HTX Dịch vụ môi trường Bình Chánh chia sẻ, HTX được thành lập từ năm 2017 với sự tham gia của 100% tổ thu gom rác dân lập và 6 công ty dịch vụ vệ sinh môi trường trên địa bàn. Khi tham gia vào HTX, các “đường rác” của các thành viên không mất đi, thậm chí còn được bảo vệ, không để xẩy ra tình trạng chồng lấn địa bàn giữa các thành viên với nhau. Về chuyển đổi phương tiện thu gom rác để đảm bảo vệ sinh môi trường là chủ trương đúng, HTX hoàn toàn ủng hộ.
Tuy nhiên, ông Hùng kiến nghị Thành phố cần có những bước đi phù hợp với điều kiện của lực lượng thu gom rác và đặc thù của từng địa bàn. Hiện nay, HTX Dịch vụ Môi trường Bình Chánh có 153 phương tiện phải chuyển đổi, nếu tính bình quân 400 triệu đồng/xe thì HTX phải cần hơn 60 tỷ đồng. Đây là mức kinh phí quá lớn, nên cần phải có lộ trình dài hơi và hợp lý.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định: "Vấn đề xử lý rác là quan tâm hàng đầu của TP.HCM và lực lượng thu gom rác dân lập là thành phần rất quan trọng trong bảo vệ môi trường, phải có chính sách hỗ trợ để họ chuyển đổi, làm tốt hơn, chuyên nghiệp hơn. Do đó, việc thành lập mô hình HTX môi trường đối với lực lượng thu gom rác dân lập là để họ làm tốt hơn công việc của mình".
Cũng theo ông Hoan, trong việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành HTX, TP.HCM sẽ ưu đãi về phí khi đăng ký thành lập HTX, liên hiệp HTX. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, tư vấn miễn phí về các thủ tục pháp lý để thành lập HTX như điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh của HTX được Liên minh HTX TP.HCM, Phòng Kinh tế của UBND các quận, huyện triển khai khi tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Đồng thời, TP.HCM cũng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ kinh phí cho chủ phương tiện thực hiện chuyển đổi phương tiện thu gom rác thải sinh hoạt, hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho các HTX thu gom, vận chuyển rác và hỗ trợ cho các cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học tại các HTX. Đối với người trực tiếp thu gom rác, Thành phố hỗ trợ đồng phục, giảm học phí cho con em, hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm.
Đến năm 2021, TP.HCM phấn đấu hoàn thành việc chuyển đổi lực lượng thu gom rác dân lập thành các HTX hoặc doanh nghiệp có tư cách pháp nhân. Toàn bộ dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt được đấu thầu định kỳ, đảm bảo phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển phù hợp với các nhóm chất thải đã được phân loại.
Minh Thành