HTX Tân Hà gồm 10 thành viên sáng lập, với tổng vốn hoạt động 1 tỷ đồng do các thành viên đóng góp. HTX kinh doanh các loại dịch vụ nông nghiệp, phi nông nghiệp như: Cung ứng nước sạch đóng chai; cung cấp con giống, thịt các loại gia súc: bò, dê, cừu, lợn đen…
Chăn nuôi khép kín
Với định hướng phát triển mô hình chăn nuôi bán công nghiệp, HTX Tân Hà đã xây dựng hệ thống chuồng trại quy mô lớn, các khu vực chăn nuôi bò, cừu vỗ béo và cừu sinh sản riêng biệt. Các chuồng nuôi được xây dựng kiên cố, nơi nuôi nhốt và máng cho ăn tách biệt nhằm bảo đảm vệ sinh.
Nhờ đó, từ khi hoạt động đến nay, tuy gặp nhiều đợt hạn hán nghiêm trọng, nhưng HTX vẫn đạt được kết quả khá tốt. Trung bình mỗi năm, HTX xuất chuồng 4 lứa cừu đực, mỗi lứa trên 100 con.
Không chỉ phát triển chăn nuôi nội bộ, HTX còn đầu tư cho một số hộ nhận nuôi cừu vệ tinh, với quy trình khép kín từ cung cấp con giống, chuồng trại, thức ăn, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm. Mức thu lãi của HTX chỉ 2%, nhưng qua đó, tạo điều kiện cho những hộ khó khăn vươn lên phát triển kinh tế.
Phát triển trên vùng đất mà nhiều năm trước từng xảy ra hiện tượng gia súc chết hàng loạt trong nắng hạn, HTX đã có những bước đi thận trọng, khi không ồ ạt mở rộng quy mô đàn gia súc mà hướng đến cách chăn nuôi bền vững, trong đó có cách nuôi gia súc khép kín.
Hàng tháng, chuồng nuôi được tẩy uế một lần bằng vôi. Thức ăn cũng được bảo quản để không bị hôi mốc. Riêng cừu được tắm chải định kỳ (mùa Hè 2 - 3 lần/tháng, mùa Đông khi nắng ấm).
HTX đang phát triển đúng hướng với chăn nuôi cừu |
Ứng phó với khô hạn
Nghề chăn nuôi gia súc có sừng ở HTX Tân Hà đã giúp đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Trung bình mỗi hộ gia đình sẽ thu về 60 - 70 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, HTX còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và những lao động từ các tỉnh khác.
Để chủ động thức ăn vào mùa Đông, HTX đã trồng cỏ trên cánh đồng 1 ha. Cánh đồng cỏ này được trồng liền kề khu vực chăn nuôi, đáp ứng mỗi ngày khoảng 7 tạ cỏ cho bò và cừu.
Cỏ đưa vào máy xay, sau đó chuyển ngay cho đàn gia súc gồm 100 con bò và 1.100 con cừu. Nhiều loại thức ăn tinh cũng được HTX dự trữ sẵn cho đàn gia súc, tránh trường hợp khan hiếm thức ăn khi nắng hạn kéo dài.
Trong quá trình trồng cỏ, HTX áp dụng công nghệ cao, tưới nhỏ giọt, phun, quay, kéo nước từ suối về. Chi phí đầu tư cho hệ thống tưới phun nhỏ giọt không cao, chỉ hơn 100 triệu đồng nhưng tiết kiệm nước tối đa.
Chăn nuôi gia súc có sừng kết hợp với trồng cỏ thay thế cho trồng lúa giúp HTX thích ứng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Trồng cỏ và chăn nuôi chỉ tốn khoảng 20% lượng nước so với cấy lúa, hơn nữa chăn nuôi làm được quanh năm, hiệu quả cao gấp nhiều lần trồng lúa.
Nhờ liên kết cùng doanh nghiệp và nhận được sự hỗ trợ của tỉnh, HTX đã ổn định đầu ra, tình trạng bán tháo gia súc do mất giá đã không còn. Hiện HTX đã đủ sức lo thức ăn cho vật nuôi lúc khô hạn nên tình trạng cừu chết do thiếu thức ăn và nước uống cũng không xảy ra.
Nhờ được đầu tư đồng bộ cho sản xuất, chăn nuôi, HTX đã có nhiều thuận lợi để tập trung phát triển các vật nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái, thổ nhưỡng ở địa phương và có thị trường tiêu thụ ổn định và ngày càng mở rộng.
Hiệu quả mà HTX mang lại đã tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích nông dân tham gia mô hình kinh tế tập thể, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào phát triển sản xuất, qua đó góp phần nâng cao uy tín, tăng khả năng cạnh tranh các sản phẩm gia súc, đặc biệt là sản phẩm thịt cừu Ninh Thuận trên thị trường.
Như Yến