Trồng rau trong nhà lưới giúp hạn chế dùng phân bón hóa học |
Hiện, THT có 27 tổ viên với tổng diện tích trồng rau an toàn trên 3ha, trong đó mô hình trồng rau trong nhà lưới là 0,8ha.
Việc phát triển mô hình trồng rau VietGAP là do các tổ viên đều là những nông dân có kinh nghiệm trong sản xuất rau và địa phương vốn là vùng chuyên canh rau. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên các hộ gia đình mới cùng nhau liên kết thành tổ HTX để cùng sản xuất và hỗ trợ nhau về đầu vào và đầu ra.
Trồng rau "5 không"
Sản xuất nông nghiệp an toàn đòi hỏi phải cập nhật các kỹ thuật mới. Là mô hình đầu tiên sản xuất theo quy trình VietGAP trên địa bàn xã và có sự hỗ trợ của địa phương nên mô hình sản xuất của THT đã thu hút được một số cán bộ, kỹ sư nông nghiệp về góp sức để đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Gần 1ha nhà lưới để sản xuất rau của THT được xây dựng hệ thống tự động hóa: tự động che nắng, che mưa, thông gió. Đặc biệt, THT đã ứng dụng những công nghệ mới nhất vào sản xuất như công nghệ tưới nước phun sương tự động của Israel. Đây là kỹ thuật tưới với lưu lượng không đổi, giúp tiết kiệm 30 - 60% lượng nước và phân bón thông thường.
Rau được tưới bằng nguồn nước sạch đã được kiểm tra nhiều lần. Cùng với hệ thống tưới phun sương là hệ thống tưới nhỏ giọt. Cả hai hệ thống này chỉ cần một người quản lý, vận hành.
Từ hạ tầng đồng bộ, việc sản xuất rau được THT áp dụng theo quy trình "5 không": không sử dụng giống không rõ nguồn gốc, không phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), không sử dụng cây trồng biến đổi gen, không thuốc kích thích tăng trưởng và không thuốc trừ cỏ.
Các loại giống rau được THT mua từ những cơ sở uy tín. Hiện, THT có các loại rau chủ yếu như cà chua, rau cải, bí, dưa chuột, ớt ngọt, su hào, cà rốt...
Trồng rau theo phương pháp VietGAP trong nhà lưới giúp cây phát triển đúng lịch trình, độ đồng đều cao, thời gian thu hoạch nhanh (giảm 10 - 15 ngày so với trồng bình thường). Sau 23 ngày cấy luống là các tổ viên có thể thu hoạch rau sạch và hầu như không có sâu bệnh. Rau sạch sẽ được sơ chế và đóng bao bì là có thể xuất hàng.
Sản phẩm rau an toàn của THT đã được nhiều khách hàng tin dùng, nhờ đó mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trung bình 30 triệu đồng/sào/năm.
Góp phần bảo vệ môi trường
Quy trình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới được THT Bình Thuận thực hiện tương đối đơn giản và không quá vất vả về khâu chăm sóc.
Ông Hoàng Văn Hòa, Tổ trưởng THT, cho biết cách sản xuất rau ở THT giúp giảm đến 80% nhân công và đặc biệt sâu bệnh rất ít xuất hiện. Các tổ viên được làm việc trong môi trường sạch, an toàn vì THT tuân thủ theo các nguyên tắc sản xuất an toàn, đảm bảo đúng sản phẩm phải sạch mới xuất thị trường.
Điều mà các tổ viên tâm đắc nhất khi thực hiện trồng rau an toàn trong nhà lưới là có thể hạn chế phần lớn phân bón và thuốc trừ sâu so với trồng rau bên ngoài. Bởi trồng rau trong nhà lưới giúp giảm sự rửa trôi phân bón do mưa, giảm bay hơi nước do đó không mất nhiều công tưới. Đặc biệt, nhà lưới có tác dụng giảm tác động từ những cơn mưa, hạn chế dịch bệnh phát triển, do đó không phải sử dụng đến thuốc BVTV.
Tuy nhiên, để có được sản phẩm rau an toàn, ngoài việc chọn hạt giống đảm bảo chất lượng, trước khi gieo trồng, THT đã thực hiện xử lý mầm bệnh có trong đất, tránh nguy cơ nhiễm bệnh cho rau sau này.
Ngoài xới đất, làm cỏ và phơi nắng trong thời gian nhất định, THT đã dùng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học trộn cùng với vỏ trấu bón cho đất trước khi trồng.
Việc làm này vừa hạn mầm bệnh có trong đất vừa cung cấp thêm chất dinh dưỡng để đất màu mỡ. Nếu trong trường hợp sâu bệnh quá nhiều, THT chỉ dùng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc thiên nhiên như ớt, xả, gừng… để phun phòng trừ, xua đuổi côn trùng.
Việc liên kết trồng rau theo quy trình VietGAP trong nhà lưới của THT đã thực sự đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân, giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng sản phẩm, đồng thời góp phần thiết thực vào việc xây dựng môi trường nông thôn ngày càng sạch đẹp hơn.
Như Yến