Để về đích nông thôn mới là một quá trình không hề ngắn (8 năm) đòi hỏi sự nỗ lực của huyện Tiểu Cần. Và kết quả đạt được là vào tháng 4/2019, huyện đã thực hiện thành công phong trào mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Dấu ấn huyện NTM
Ông Trần Hoàng Khải, Chủ tịch UBND huyện Tiểu Cần, cho biết huyện Tiểu Cần có 9 xã, 2 thị trấn với 77 ấp và 12 khóm, diện tích tự nhiên 22.723ha, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Dân số toàn huyện có hơn 112.000 người; trong đó đồng bào Khmer chiếm hơn 31%.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Tiểu Cần đã huy động tổng nguồn vốn 2.351 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương chiếm hơn 531 tỷ đồng, ngân sách tỉnh gần 655 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 149 tỷ đồng. Số tiền còn lại được huy động từ ngân sách các xã, vốn vay tín dụng, vốn doanh nghiệp… để phát triển mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, vệ sinh môi trường, cơ sở hạ tầng….Đặc biệt sự đóng góp tích cực của nhân dân bằng các hình thức như hiến đất, cây trái, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công lao động, với tổng số tiền hơn 202 tỷ đồng.
Tiểu Cần là huyện đầu tiên về đích nông thôn mới ở Trà Vinh |
Thực hiện chương trình nông thôn mới, bộ mặt huyện Tiểu Cần đã có nhiều đổi thay tích cực. Hiện, giao thông của huyện thông suốt từ trung tâm huyện lỵ đến các xã, các tuyến đường liên xã, liên ấp đều được trải nhựa hoặc bê tông hóa; hệ thống thủy lợi được đầu tư đồng bộ phục vụ tốt sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn; 98% hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện an toàn và nước sạch. Thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2018 đạt 42,1 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 lần so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,31%, giảm 18,9 % so với năm 2011.
Đặc biệt, Tiểu Cần đã đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ nông sản được các cấp ngành, đơn vị đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, việc liên kết thành lập các HTX, THT trong sản xuất nông nghiệp đã và đang đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế và tiến trình xây dựng NTM của địa phương. Ðây là kết quả của quá trình đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng giá trị sản xuất hàng hóa trên một đơn vị diện tích, cải thiện thu nhập.
Liên kết sản xuất
Đơn vị đi đầu trong mô hình liên kết sản xuất là HTX Rạch Lọp (xã Tân Hùng). HTX đã hoạt động theođúng các tiêu chí xây dựng HTX kiểu mới, tạo được uy tín, niềm tin với nông dân và đối tác.
Trong đó, HTX thực hiện bao tiêu lúa thương phẩm cho các thành viên và làm đầu mối hợp đồng mua các sản phẩm đầu vào chất lượng, giá hợp lý bán lại cho các thành viên, tạo thuận lợi cho hội viên, nông dân trong sản xuất. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền vận động nông dân nâng cao ý thức sản xuất và sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn. HTX đứng ra hỗ trợ đầu vào cho người dân và thành viên từ giống, phân bón, kỹ thuật, làm đất, thu hoạch… Các khâu sản xuất hầu như đã được cơ giới hóa giúp đáp ứng thời gian, tiết kiệm chi phí.
Giám đốc HTX Huỳnh Đăng Khoa cho biết, ban đầu khi thành lập HTX (2016) chỉ có 422 thành viên đăng kí tham gia HTX, nhờ hoạt động hiệu quả, năm 2108, HTX phát triển và thu hút thêm 89 thành viên nữa nâng tổng số thành viên lên 503. Hiện HTX tiếp nhận 63 hồ sơ, phấn đấu đến năm 2020 nâng tổng số thành viên lên khoảng 1.000.
Hoạt động hiệu quả, HTX Rạch Lọp đã cho thấy mô hình liên kết sản xuất theo HTX đã giúp người dân sản xuất thuận lợi hơn, thu nhập cao hơn. Đây là nền tảng giúp địa phương hoàn thành một số mục tiêu quan trọng trong quá trình nông thôn mới.
Để giữ vững các tiêu chí trong chuẩn nông thôn mới, huyện Tiểu Cần đang tích cực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất thông qua các nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, các dự án. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh hỗ trợ thành lập, phát triển các HTX, THT, đặc biệt là hỗ trợ các HTX chuyển đổi và sản xuất theo HTX 2012 nhằm thúc đẩy hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể, từ đó hình thành và phát triển chuỗi giá trị, từ đó nâng cao hiệu kinh tế, thúc đẩy bộ mặt nông thôn phát triển theo hướng bền vững.
Huyền Trang