Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương đi đầu áp dụng những tiến bộ KH-KT giúp cho các cơ sở đúc đồng cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, điều kiện lao động bảo đảm hơn, hạn chế bệnh tật, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đời sống dân sinh và phát triển KT-XH.
Mô hình thí điểm
Ts. Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Tỉnh đã đưa hoạt động thí điểm mô hình xử lý khói, bụi và khí thải độc hại của làng nghề đúc đồng truyền thống tại các phường là Phường Đúc và Thủy Xuân (Tp.Huế), nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề này”.
Hệ thống xử lý khói bụi và khí thải được thiết kế bằng hệ thống máy hút bụi, thông qua chụp hút khói, bụi, khí thải bằng inox, đưa vào bể sục khí, kết hợp với hóa chất để làm sạch khí thải...
Theo các chuyên gia về môi trường, từ khi vận hành hệ thống xử lý khói, bụi và khí thải độc hại của làng nghề đúc đồng truyền thống nói trên, kết quả cho thấy một số chỉ tiêu như bụi lơ lửng, SO2, CO, NOx đều giảm gần một nửa so với khi chưa được xử lý và đều nằm trong giới hạn cho phép theo quy định của Luật Môi trường.
Tuy nhiên, mô hình này mới chỉ được thực hiện ở một số hộ đúc đồng trên địa bàn. Nếu được đầu tư để nhân rộng ra ở tất cả các cơ sở sản xuất làng nghề, sẽ xử lý được cơ bản vấn đề ô nhiễm môi trường tồn tại bấy lâu ở Phường Đúc và Thủy Xuân.
Phường Đúc và Thủy Xuân hiện có 61 lò đúc đồng, nhôm, chì (với hàng trăm lao động làm nghề), nằm xen lẫn trong các khu dân cư. Mỗi năm, doanh thu từ các cơ sở đúc đồng khoảng hơn 4 tỷ đồng.
Riêng cơ sở đúc đồng của nghệ nhân Nguyễn Văn Sính có hơn 20 lao động, với các sản phẩm như: chuông, tượng phật, tượng đài, tượng nghệ thuật, tượng danh nhân... có kích thước, khối lượng, kiểu dáng khác nhau, được ưa chuộng ở cả trong và ngoài nước.
![]() |
Xưởng đúc đồng của Phường Đúc (Tp.Huế)
Mở hướng cải tạo môi trường
Tuy nhiên, điều nguy hại hơn cả là các cơ sở đúc đồng ở đây đều làm theo lối thủ công. Hầu hết các cơ sở đều sử dụng cao su, lốp xe hỏng và dầu nhớt phế thải để đốt lò, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân quanh vùng.
Trước đây, Trung tâm KHCN và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) đã hỗ trợ lắp đặt hệ thống hút bụi tại lò nấu kim loại, với chi phí trên 70 triệu đồng và Sở Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế lúc đó giúp chuyển đổi công nghệ làm khuôn, giảm lượng củi đốt trên 300m3/năm.
Phó Chủ tịch UBND phường Phường Đúc - ông Nguyễn Đức Long, cho biết hiện nay, trên địa bàn của phường Phường Đúc và xã Thủy Xuân (lân cận) có 61 cơ sở đúc đồng, nhôm, chì. Do công nghệ lạc hậu, máy móc cũ kỹ, chủ yếu làm thủ công, lại sử dụng cao su, lốp xe hỏng và dầu nhớt phế thải để đốt lò, hơn nữa hầu hết các cơ sở nằm xen lẫn trong khu dân cư, nên tình trạng ô nhiễm không khí đã ảnh hưởng không nhỏ sức khỏe người dân quanh vùng.
Hệ thống xử lý khói, bụi và khí thải do Trung tâm KHCN và Môi trường chuyển giao công nghệ và kiểm định, kiểm nghiệm lắp đặt có khả năng giúp cho các cơ sở đúc đồng cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, điều kiện lao động bảo đảm hơn, hạn chế bệnh tật, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đời sống dân sinh và phát triển KT-XH. Mô hình này có thể nhân rộng và mở ra hướng cải tạo môi trường cho các làng nghề đúc trên địa bàn tỉnh.
Lê Minh