Các chuyên gia cảnh báo, việc đốt rơm trên những cánh đồng không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, giao thông mà còn tác động xấu đến hiệu quả sản xuất trong những vụ tới. Việc đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng sẽ phá vỡ vi sinh vật có lợi, chất dinh dưỡng, làm đất đai ngày càng thoái hoá, mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.
Hạn chế ô nhiễm môi trường
Trước những bất cập phát sinh từ việc đốt rơm rạ của người dân gây ra, việc hỗ trợ máy cuộn rơm của một số HTX, nông dân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế và việc triển khai thực hiện mô hình “Ứng dụng các biện pháp canh tác tổng hợp để xử lý rơm rạ sau thu hoạch” trong đó áp dụng kỹ thuật sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ, với hoạt chất chính là nấm trichoderma của ngành nông nghiệp tỉnh được xem là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế của người dân.
Việc đốt rơm rạ tại đồng vừa gây ô nhiễm, lãng phí tài nguyên và nguy cơ mất an toàn giao thông (Ảnh:TL) |
Vụ hè thu 2019, anh Hoàng Công Tấn ở thôn Cao Xá, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền làm 1,5 mẫu ruộng. Mọi năm, anh mất gần 1 tuần để phơi, thu gom, vận chuyển rơm về nhà sau thu hoạch. Công việc thu gom, vận chuyển rất vất vả, cần nhiều nhân lực. Vụ vừa qua, anh chỉ cần 1 ngày phơi rơm và 1 buổi để thu gom tất cả về nhà.
Anh Tấn cho biết, năm 2019 gia đình anh nhận được hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông máy cuốn rơm MRB 0850B. Máy được lắp đặt vào hệ thống máy kéo Kubota có sẵn của gia đình nên việc đầu tư đối ứng 50% với gia đình không quá khó khăn.
Theo anh Tấn, máy cuốn rơm có thể hoạt động tốt trên nền ruộng khô và ẩm ướt. Cơ chế vận hành máy khá đơn giản, rơm sẽ được trục bánh răng của máy cuốn vào và được nén chặt bởi trục cuộn nằm phía trong.
“Sau khi cuộn rơm đạt tiêu chuẩn kích thước và trọng lượng, máy sẽ có hệ thống báo hiệu tự động bằng còi.Tiếp theo, rơm sẽ được buộc lại bởi hệ thống dây quấn, thắt nút cắt tự động và cuộn rơm sẽ được nhả ra ngoài bởi bơm thủy lực đẩy mở cửa. Mỗi cuộn rơm hoàn thành trung bình trong thời gian từ 35 - 45 giây. Công suất thu gom rơm đạt từ 50 - 80 cuộn/giờ, trung bình mỗi sào thu được 6 - 10 bó rơm. Máy có thể thu gom 4 ha/ngày, tương ứng với 600 cuộn rơm”, anh Tấn cho biết.
HTX cùng vào cuộc
Cùng vào cuộc với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc thu gom rơm rạ để sử dụng làm nguyên liệu phục vụ chăn nuôi và làm nấm rơm hoặc ủ phân bón hữu cơ, giảm thiểu tình trạng người dân đốt trực tiếp ngoài đồng gây ô nhiễm môi trường...Năm 2019, HTX Nông nghiệp An Lỗ, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền đã đầu tư và đưa vào sử dụng máy cuộn rơm thu gom rơm rạ trên đồng sau thu hoạch.
Sau khi cuộn đủ khối lượng, rơm sẽ được buộc lại bởi hệ thống dây quấn, thắt nút cắt tự động và cuộn rơm sẽ được nhả ra ngoài bởi bơm thủy lực đẩy mở cửa. Mỗi cuộn rơm hoàn thành trung bình trong thời gian từ 35 - 45 giây (Ảnh:TL) |
Ông Nguyễn Văn Ba, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Lỗ cho biết, bình quân 1 sào lúa thu được khoảng 6-10 cuộn rơm. Sau vụ thu gom đầu tiên, HTX chỉ phục vụ cho một số hộ dân địa phương cho trâu, bò ăn, trồng nấm, với giá 20 nghìn đồng/cuộn. Như vậy, mỗi sào HTX thu được từ 120 đến 200 nghìn đồng. Năm 2020, HTX đã triển khai thu gom trên 25ha, đồng thời triển khai mô hình trồng nấm hữu cơ, xây dựng chuỗi thương hiệu hữu cơ khép kín, tạo thêm việc làm cho người lao động và thành viên của HTX.
“Ngoài số lượng rơm để phục vụ việc sản xuất, trồng nấm, HTX cũng tiếp tục bán để phục vụ người dân ủ làm phân bón, chăn nuôi trâu bò và sản xuất nấm để vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tạo thêm việc làm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Ba nói.
Vụ lúa vừa qua, huyện Phong Điền canh tác 5.140ha lúa.Với diện tích như vậy, nếu không có giải pháp để thu gom, xử lý rơm rạ thì việc người dân đốt trực tiếp ngoài đồng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, đời sống cư dân và cả những người tham gia giao thông.
Ông Trịnh Đức Hiệp, Phó trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phong Điền cho biết, để hạn chế việc đốt rơm rạ trên đồng, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp xử lý rơm rạ khoa học, hợp lý như dùng chế phẩm phân hủy rơm rạ, thu gom rơm để làm thức ăn cho gia súc, ủ phân hoặc làm nguyên liệu trồng nấm... Tuy nhiên, do đặc thù sản xuất nông nghiệp, thời gian chuyển vụ nhanh, nên muốn nhanh gọn, thuận tiện, phần nhiều bà con nông dân đã chọn cách đốt rơm rạ tại đồng.
“Trước thực trạng này, giải pháp thiết thực, hữu ích nhất là các ngành cùng chính quyền các cấp cân nhắc, tính toán hỗ trợ một phần kinh phí cho các HTX trang bị máy cuộn rơm theo Đề án triển khai thực hiện mô hình "Ứng dụng các biện pháp canh tác tổng hợp để xử lý rơm rạ sau thu hoạch" để giải quyết tình trạng rơm rạ tồn dư, bị đốt bỏ”, ông Hiệp cho biết.
Phương Nam