Theo Ban giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Quang Huy, trồng lúa hữu cơ giúp năng suất lúa trung bình đạt 62 - 63 tạ/ha, cao hơn 3 tạ/ha so diện tích lúa sử dụng phân bón vô cơ lại giúp người trồng lúa rộng đầu ra.
Từ thay đổi phương thức sản xuất...
Lâu nay, người dân xã Quang Huy thường sử dụng phân bón vô cơ khiến đất bị xơ hóa, giảm nhanh các loại vi sinh vật có lợi trong đất, tồn dư các kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật... tác động không tốt đến sản phẩm nông nghiệp cũng như môi trường sinh thái.
Trước thực tế này, ngành nông nghiệp huyện Phù Yên đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm xây dựng mô hình trồng lúa hữu cơ tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Quang Huy. Thông qua HTX, người dân được học hỏi, tích lũy những kiến thức để ứng dụng và thực tiễn sản xuất cho phù hợp với điều kiện của địa phương cũng như nhu cầu của thị trường.
![]() |
Người nông dân vui mừng khi tham gia HTX trồng lúa hữu cơ (Ảnh: TL) |
Theo Ban giám đốc HTX, từ trước đến nay người dân ở đây vốn quen lối sản xuất truyền thống khiến đầu ra cho lúa gạo luôn bấp bênh. Khi được doanh nghiệp và ngành nông nghiệp địa phương chung tay hỗ trợ HTX thực hiện mô hình làm lúa sạch theo hướng hữu cơ và thu mua luôn sản phẩm nên người dân, thành viên rất mừng.
Hiện tại, diện tích gieo cấy của HTX là 10 ha, quá trình canh tác, người nông dân không được phun thuốc diệt cỏ dù là lúc cây lúa còn nhỏ mà tích cực làm cỏ bằng tay và bằng máy kết hợp với ứng dụng kỹ thuật phù hợp.
Qua thực tế sản xuất tại HTX cho thấy, khi sử dụng phân bón hữu cơ đã góp phần thúc đẩy khả năng đẻ nhánh của cây lúa. Thời gian đẻ nhánh và chín cũng tập trung, giúp cây cứng nên chống đổ tốt. Phân bón hữu cơ còn làm cho chất bùn, gốc rạ phân hủy nhanh hơn sau khi thu hoạch, tạo chất dinh dưỡng cho đất. Bên cạnh đó, tỷ lệ hạt chắc/bông cao làm tăng năng suất lúa so với cùng loại giống sản xuất đại trà có sử dụng phân bón vô cơ. Hiện, năng suất lúa do HTX sản xuất đạt 58,5 tạ/ha.
Điều thuận lợi là diện tích sản xuất sau khi thu hoạch dược doanh nghiệp thu mua và trả tiền ngay tại đồng ruộng với giá bảo đảm có lãi nên người dân, thành viên HTX rất phấn khởi, đồng thời cho biết chưa bao giờ họ làm lúa mà thuận lợi như khi vào HTX. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mô hình sản xuất lúa hữu cơ còn giúp bảo vệ được môi trường và sức khỏe do không phải phun thuốc bảo vệ thực vật và các hóa chất độc hại.
![]() |
Trồng lúa hữu cơ góp phần nâng cao chất lượng môi trường sinh thái |
Ông Lò Bách Tan, thành viên HTX, phấn khởi: Gia đình ông có 800 m² ruộng trồng lúa hữu cơ. Sau thời gian tham gia HTX ông nhận thấy sản xuất lúa hữu cơ không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động và môi trường xung quanh, lại tạo ra hạt gạo an toàn, thóc để lâu không bị sâu mọt, giá bán cao hơn thóc cùng loại 5.000 đồng/kg.
Đến mở rộng sản xuất theo hướng bền vững
Khi bắt tay vào sản xuất, các thành viên HTX được tập huấn đầy đủ quy trình sản xuất lúa hữu cơ, từ làm mạ, đến làm đất, rồi sử dụng phân hữu cơ cho từng giai đoạn phát triển của cây lúa, đến cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ sâu bệnh và sử dụng nguồn nước sạch tưới tiêu... Ngoài ra, HTX được Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ 70% chi phí phục vụ sản xuất, gồm giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Do sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh và dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ sâu bệnh nên các loại vi sinh vật có lợi cho cây trồng không bị suy giảm số lượng, sản phẩm gạo an toàn, được người tiêu dùng lựa chọn.
Việc sử dụng giống lúa chất lượng do doanh nghiệp cung cấp lại sản xuất trên quy mô cánh đồng liền khoảnh, vùng đất không bị ô nhiễm, không chịu khí thải công nghiệp, có hệ thống kênh mương tưới tiêu tốt, đủ nguồn nước để đảm bảo chủ động tưới tiêu. Đây là điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích, tăng thu nhập cho người dân cũng như lan tỏa mô hình sản xuất đến nhiều người.
Với những kết quả bước đầu đạt được từ mô hình sản xuất của HTX Quang Huy và Tập đoàn Quế Lâm sẽ tiếp tục hỗ trợ các thành viên và người dân sản xuất lúa hữu cơ thêm 4 vụ, quy mô 20 ha/vụ. Đây không chỉ là cơ hội tốt để các thành viên HTX nâng cao kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ, mà còn là dịp để các xã trong huyện trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng mô hình, góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Như Yến