Xã Vạn Lương có trên 80% người dân sống bằng nghề nông nghiệp, trong đó có nghề trồng nấm rơm. Tuy nhiên cách thức trồng nấm rơm truyền thống ngoài đồng ruộng cho hiệu quả thấp do phụ thuộc thời tiết, sâu bệnh nên một thời, nghề trồng nấm rơm bị lãng quên.
Trồng nấm trong nhà kín
Trước thực trạng trên và nhu cầu nâng cao đời sống, được sự đồng ý của Đảng ủy, UBND xã Vạn Lương, năm 2018, THT trồng nấm rơm Vạn Lương thành lập với sự tham gia của 8 thành viên.
Khi bắt đầu làm, THT thuê 500m2 đất để dựng trại, đồng thời các thành viên tự góp vốn được 200 triệu đồng xây dựng nhà trồng nấm. Mô hình trồng nấm rơm của THT chủ yếu trồng trong nhà kín, vừa chủ động được nhiệt độ, thời gian sản xuất, vừa phòng tránh mưa nắng.
Do vậy, nấm thương phẩm bảo đảm sạch, không hóa chất, không thuốc trừ sâu, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng cao của thị trường.
Để có được thành quả trên, THT đã cẩn thận ngay từ khâu xử lý rơm ngâm nước. Rơm phải sạch ngay từ khâu trồng, không dùng rơm của ruộng lúa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Rơm không bị nấm mốc. Muốn vậy, rơm sau khi thu hoạch về phải được phơi khô và không bị dính nước mưa. Chỉ cần 1-2 giọt nước mưa thấm vào cũng phải bỏ đi.
![]() |
Sản xuất nấm rơm trong nhà kín giúp người dân chủ động trong sản xuất |
Tiếp theo là đến khâu ủ rơm 7 - 12 ngày, sau đó chất đều rơm lên giàn, tạo meo giống, rắc cám dinh dưỡng và tiếp tục phủ một lớp rơm mỏng lên trên chất dinh dưỡng để giữ ẩm. Trong khoảng từ 3 - 4 tuần nấm bắt đầu cho thu hoạch.
Theo các thành viên, đối với nấm rơm quá trình sản xuất không cần dùng phân bón gì thêm vì rơm rạ khi phân hủy đã cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây nấm phát triển. Tuy nhiên, người trồng phải thường xuyên theo dõi nhiệt độ và ẩm độ, đây là khâu quan trọng nhất trong quá trình sản xuất.
Để đảm bảo năng suất và chất lượng, HTX thực hiện thu hái khi nấm đang ở dạng hình trứng (trước khi nấm bung dù). Nếu như nấm mọc thành cụm dính vào nhau có thể tuyển chọn những cây nấm đủ tiêu chuẩn để hái, nếu khó tách tùy theo tỷ lệ nấm lớn nhỏ có thể hái cả cụm.
Giá nấm bán ra thị trường chia làm 3 loại. Loại 1 là 100 nghìn đồng/kg, loại 2 giá bán 80 nghìn đồng/kg, loại 3 khoảng 60 nghìn đồng/kg, trừ chi phí sản xuất, nhân công sau thu hoạch, mỗi thành viên có thể thu về trên dưới 10 triệu đồng/vụ.
Hạn chế đốt rơm rạ
Hiện, THT mở rộng sản xuất lên 1.500m2, đồng thời mua sắm các thiết bị máy móc phục vụ sản xuất gồm nồi hơi, ca bin hấp, máy cuốn rơm, máy đóng bịch...
Không chỉ mang lại hiệu qủa kinh tế, mô hình sản xuất của THT đã góp phần tích cực bảo vệ môi trường. Tình trạng khi tới vụ thu hoạch, rơm rạ được chất đống rồi đốt gây khói mù làm ô nhiễm môi trường đã được giảm thiểu. Sau khi thu hoạch nấm, các giá thể còn được tận dụng để làm phân vi sinh bón cho cây trồng tạo độ tơi xốp.
![]() |
Tận dụng rơm làm nguyên liệu trồng nấm góp phần bảo vệ môi trường (Ảnh:TL) |
THT đang cùng địa phương tập trung tuyên truyền và cung cấp những lợi ích của việc sản xuất nấm rơm đối với người dân. Những hoạt động đó giúp người dân hiểu rõ hơn về về tác hại của việc đốt rơm rạ ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe con người, đồng thời thấy được việc tận dụng rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất nấm mang lại những lợi ích kinh tế, xã hội.
Là ngôi nhà chung của các thành viên, bình quân mỗi tháng, THT tiến hành họp các thành viên 1 lần. Thông qua các buổi họp, thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình trồng nấm. Các thành viên còn thành lập quỹ góp vốn xoay vòng để giúp nhau vượt qua những khó khăn. Ngoài ra, THT còn ký hợp đồng mua nguyên liệu về chia lại cho các thành viên trong tổ nhằm giảm giá thành sản xuất.
Trước những hiệu quả đã đạt được, THT nhận được sự hỗ trợ của chính quyền thông qua việc tạo điều kiện cho các thành viên vay vốn từ các nguồn quỹ khác nhau. Thời gian tới, THT sẽ tiếp tục vận động nông dân tham gia mô hình. Đặc biệt là hướng tới xây dựng thương hiệu để sản phẩm nấm rơm của thành viên có được chỗ đứng trên thị trường.
Huyền Trang