Từ mô hình Tổ hợp tác trồng nấm tại xã Tràng Phái, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn, với 7 thành viên. Sau nhiều năm thực hiện, mô hình phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế. Đến tháng 7/2022, Tổ hợp tác đã “lớn lên” thành HTX Thuận Phát theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn với 10 thành viên.
Phát triển kinh tế bền vững
Để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao, sạch và an toàn, năm 2022, HTX Thuận Phát đã đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất nấm rộng 2.500 m2 với kinh phí 2 tỷ đồng, bao gồm: hệ thống lò hơi, phòng bảo ôn, lò hấp thanh trùng, hệ thống tưới phun sương tự động. Với cơ sở vật chất đầy đủ, toàn bộ quá trình sản xuất nấm được thực hiện trong nhà xưởng.
![]() |
Các bạn trẻ giới thiệu sản phẩm nấm của HTX Thuận Phát. |
Đồng thời, HTX còn chú trọng đến quy trình sản xuất, tuân thủ từng công đoạn, từ nguyên vật liệu, giống, sấy hấp, chăm sóc, thu hái và bảo quản sản phẩm. Cụ thể, trước tiên, các thành viên HTX phải xử lý nguyên liệu trồng nấm bằng nước vôi, sau đó, đem vào phòng hấp thanh trùng, đối với nấm rơm nhiệt độ phải đạt 72 độ C và nấm sò phải từ 100 độ C trở lên nhằm loại bỏ các mầm bệnh. Tiếp đó, các thành viên HTX bắt đầu vào giống, nuôi tơ và thu hái. Trong thời gian đó cần đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm phù hợp thì nấm mới đạt năng suất cao.
Đến đầu năm 2023, HTX đã được Công ty Cổ phần chứng nhận và kiểm nghiệm FAO cấp giấy chứng nhận phù hợp quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong lĩnh vực trồng trọt. Do vậy, từ khi trồng cho đến thu hoạch không sử dụng thuốc kích thích, chất bảo quản nên loại bỏ được sâu bệnh ngay từ đầu, sản phẩm cung ứng ra thị trường đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vào mùa Hè, trung bình một ngày, HTX thu hoạch và tiêu thụ khoảng 70 kg/ngày. Còn vào mùa Đông, HTX tiêu thụ khoảng 2 tạ/ngày, thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Doanh thu từ đầu năm 2023 đến nay đạt trên 500 triệu đồng, dự kiến hết năm đạt khoảng 1,2 tỷ đồng, thu nhập các thành viên HTX đạt 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nông Thị Đại, thành viên HTX cho biết: “Từ khi tham gia hoạt động trong HTX, tôi có nguồn thu nhập cao và ổn định, trung bình đạt 8 triệu đồng/tháng. Với số tiền này, tôi có điều kiện để chăm lo cuộc sống gia đình. Ngoài ra, tôi còn được hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm, từ đó có thêm kiến thức để thời gian tới đưa nấm về trồng tại hộ gia đình”.
Thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư, xây dựng thêm 2 dãy phòng bảo ôn để trồng nấm rơm và trồng thêm các loại nấm: linh chi, mộc nhĩ. Đồng thời, tận dụng bã nguyên sau khi thu hoạch nấm để sản xuất phân hữu cơ, cung ứng cho bà con nông dân trên địa bàn, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên HTX.
Sản xuất "sạch từ tâm"
Nhận thấy việc trồng nấm sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ nông dân, HTX trên cả nước đã chuyển hẳn sang nghề trồng nấm, trở thành hàng hóa có giá trị, góp phần đưa sản phẩm nông nghiệp nấm trở thành đặc trưng của địa phương, từ đó mang lại thu nhập ổn định cho người trồng nấm, thay đổi diện mạo nông thôn.
Ngoài nghề trồng lúa, trồng khoai theo mùa vụ, nông dân ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã chuyển sang trồng nấm cho giá trị kinh tế cao. Nấm sạch Tuấn Linh được chọn là một trong những sản phẩm điển hình của tỉnh Quảng Bình.
![]() |
Mỗi năm, HTX Nấm sạch và Kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh sản xuất được 170 vạn bịch nấm, sản lượng 170 tấn nấm gồm các loại: Linh chi, sò, mộc nhĩ, kim phúc, hoàng đế, nấm rơm... mang lại tổng doanh thu hơn 7 tỷ đồng, lãi đạt từ 15 - 20%. |
Ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch HĐQT HTX Nấm sạch và Kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh cho hay, việc thành lập HTX tạo điều kiện để ông liên kết trực tiếp với 32 tổ hợp tác khác trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cung cấp phôi giống, chuyển giao kỹ thuật trồng nấm.
Đồng thời, HTX cũng bao tiêu sản phẩm, tạo việc làm cho gần 500 lao động, trong đó phần lớn là phụ nữ, người khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo.
Tại cơ sở chính ở xã Sơn Lộc, xưởng sản xuất nấm của vợ chồng ông Hương giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động là các hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật tại địa phương, với thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Chị Hoàng Thị Thảo (thôn Sơn Lý, xã Sơn Lộc) là một trong những lao động làm việc tại HTX. Chị Thảo bị khuyết tật nên làm việc gì cũng khó khăn. Sau khi được vợ chồng ông Hương nhận vào làm việc, chị có thu nhập ổn định và cuộc sống bớt vất vả hơn.
"Tôi bị tật ở chân nhưng việc đóng phôi hay hái nấm vẫn làm được. Mỗi tháng có thu nhập từ 5-6 triệu đồng giúp tôi trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học. Có công việc ổn định, tôi cũng bớt tự ti về bản thân", chị Thảo nói.
Ngoài sản phẩm chế biến từ các loại nấm như nấm mộc nhĩ khô, nấm sò khô, nấm hoàng đế, rượu nấm linh chi, HTX đã sản xuất trà xanh linh chi, trà cà gai leo linh chi.
Mỗi năm, HTX sản xuất được 170 vạn bịch nấm, sản lượng 170 tấn nấm gồm các loại: Linh chi, sò, mộc nhĩ, kim phúc, hoàng đế, nấm rơm... mang lại tổng doanh thu hơn 7 tỷ đồng, lãi đạt từ 15 - 20%.
Hay như mô hình trồng nấm của HTX nấm Nhơn Phước, ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đã tạo việc làm cho nhiều thành viên với thu nhập từ 3,5 – 5 triệu đồng/người/tháng. Bà Lê Thị Khánh, ở thôn Thạch Nham Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết: “HTX tạo điều kiện cho chúng tôi làm cũng được ổn định thu nhập gia đình con ăn học. Nhờ trồng nấm cũng ổn định, lương cũng đỡ không khó khăn như ngày xưa nữa.”
Phát triển sạch, an toàn là xu hướng tất yếu
Trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn như những HTX kể trên cho thấy, các HTX đã áp dụng công nghệ và mang lại hiệu quả trong việc nâng cao đời sống người dân, giúp xoá đói giảm nghèo bền vững.
Theo thống kê, hiện nay, cả nước có gần 30.000 HTX, trong đó HTX nông nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 60%, với 3,5 triệu thành viên, tác động lớn về xã hội. Vì vậy, thời gian qua HTX nông nghiệp nhận được nhiều sự hỗ trợ để phát triển.
Phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững” do Tạp chí Kinh doanh tổ chức mới đây, TS. Vũ Mạnh Hùng, Phó vụ trưởng Vụ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ban Kinh tế Trung ương) chỉ ra nhiều cơ hội phát triển cho các HTX khi chuyển đổi xanh. Nhà nước có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy, tạo cơ hội cho các HTX nông nghiệp chuyển đổi xanh như: Quyết định số 1658 về Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050”.
Theo TS. Vũ Mạnh Hùng, các HTX nông nghiệp sẽ có cơ hội chuyển đổi, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường trong hoạt động nông nghiệp. Chuyển đổi xanh là xu hướng toàn cầu, ở đó các HTX nông nghiệp sẽ có cơ hội liên kết, hợp tác, tiếp cận mở rộng thị trường cả trong nước và quốc tế, từ đó mở rộng quy mô hoạt động của HTX, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường và giúp nhiều nông dân thoát nghèo bền vững.
TS. Vũ Mạnh Hùng cho rằng để nâng cao hiệu quả quá trình chuyển đổi xanh của các HTX nông nghiệp cần tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với HTX, gắn liền với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong phát triển HTX nông nghiệp.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và cơ quan quản lý, các HTX nông nghiệp cần nâng cao ý thức sản xuất, tiêu dùng có trách nhiệm. Việc sản xuất có trách nhiệm chính là thực hiện sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững hoặc hướng tới bền vững và không làm hại tới môi trường.
“Ở đây chính là việc sử dụng hạn chế đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, là sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững như VietGAP hay các tiêu chuẩn thế giới; sản xuất bền vững tiến tới áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính. Việc chế biến tiêu dùng cũng cần phải thay đổi, các doanh nghiệp chế biến cũng phải đảm bảo những yêu cầu tiêu chuẩn chế biến, các tiêu chuẩn để đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu…”, TS. Vũ Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Hoàng Hà